Chồng chém vợ ở Thanh Hóa: "Hôn nhân không hạnh phúc nên giải thoát cho nhau"

Google News

Bày tỏ quan điểm về vụ chồng chém vợ ở Thanh Hóa do ghen tuông đang gây xôn xao dư luận, Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết: "Phụ nữ nếu thấy cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, bị bạo hành... hãy dũng cảm giải thoát."

Ngày 22/7, Công an huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa cho biết đang xác minh, làm rõ vụ chồng chém vợ tại nơi làm việc do ghen tuông. Theo thông tin ban đầu, do ghen tuông nên chị Trịnh Thị Hoa L. (SN 1988, trú tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị chồng là Nguyễn Văn Th. (ở khu 3, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn) chém nhiều nhát gây thương tích vào tối 7/7. Hậu quả chị L. bị đa chấn thương, vùng mặt, tay chân phải khâu hàng chục mũi.
>>> Mời quý vị xem video: Chồng chém vợ nhiều nhát ngay tại nơi làm việc do ghen tuông

 

Chị L cho biết, chị và chồng kết hôn từ năm 2016, có với nhau một đứa con chung. Trước khi lấy chị L. Thắng đã có 2 đời vợ và 3 người con riêng. Quá trình chung sống, nhiều lần chị L. bị chồng đánh đập, kề dao vào cổ dọa giết vì ghen tuông mù quáng. Vì thương con, lại bị chồng dọa giết nên chị vẫn cố chịu đựng cho tới nay.
Sự việc chị L. bị chồng chém dã man ngay tại nơi làm việc do ghen tuông khiến dư luận phẫn nộ về hành vi tàn ác của người chồng.
Bày tỏ quan điểm về vụ việc trên, Chuyên gia tâm lý xã hội Lê Thị Túy phẫn nộ: "Phụ nữ hiện nay có những quyền mà nhà nước và pháp luật trao cho. Vậy tại sao phụ nữ chúng ta lại để cho người khác có thể xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự và tính mạng của bản thân không chỉ một lần mà rất nhiều lần như vậy?"
Chong chem vo o Thanh Hoa:
Chị L. được đưa vào viện cấp cứu với nhiều vết thương trên mặt, người.
Bà Túy cho biết, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là nhận thức về vấn đề bình đẳng giới rất hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực gia đình.
Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng có những quy định bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Trong đó, vấn đề bạo lực gia đình là vấn đề được Quốc hội quan tâm, chú trọng.
Thế nhưng, chính tư tưởng lạc hậu, phong kiến rằng phụ nữ phải nhẫn nhịn chịu đựng, còn đàn ông có quyền được thể hiện bề trên đã khiến cho bạo lực gia đình ngày càng gia tăng.
Trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại khá phổ biến tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương.
Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để bạo lực gia đình tồn tại. Có rất nhiều công việc trong gia đình mà đáng lý cả 2 vợ chồng phải cùng gánh vác, nhưng do tính gia trưởng, định kiến giới mà người đàn ông, người chồng như đứng ngoài cuộc, họ tự cho đó là công việc của vợ. Nếu người vợ không hoàn thành được thì họ tự cho mình “có quyền” trách móc, sỉ nhục, thậm chí là đánh đập.
Chong chem vo o Thanh Hoa:
 Chuyên gia tâm lý xã hội Lê Thị Túy.
Theo Chuyên gia Lê Thị Túy, người phụ nữ trong đoạn clip bị đâm chém bởi chính người chồng, và còn chịu đựng bị đánh đạp, dọa giết nhiều lần như vậy vừa đáng thương vừa đáng trách.
Ngày nay, nếu phụ nữ bị bạo hành, nhất là khi người chồng có thói quen và sở thích đánh vợ, hành hạ vợ nhiều lần cần mạnh dạn đề nghị sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hội phụ nữ và các cơ quan điều tra, tố tụng.
Bà Túy nói: "Hôn nhân là sự hòa hợp cùng xây dựng, cùng vụ đắp cùng gánh vác của cả hai phía, hai bên gia đình. Nếu một người đàn ông yêu thương vợ thì chỉ cần cô ta không may sứt tay cũng sẽ nâng niu, cưng nựng, xuýt xoa. Nhưng với những người chồng coi thường và không đủ sự yêu thương vợ thì mới có thể ra tay hết lần này đến lần khác với người phụ nữ mà hàng ngày "cơm dẻo canh ngọt", "đầu ấp tay gối" bên mình.
Người phụ nữ nếu cảm thấy cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, hôn nhân quá đau khổ, bị bạo hành, xúc phạm... thì hãy dũng cảm giải thoát.
Đừng viện vào lý do thương con, cũng đừng sợ dư luận định kiến xã hội. Bởi đó là sự lạc hậu, là sự biện minh cho sự thiếu hiểu biết, sự nhu nhược của bản thân."
Bà Túy cho rằng, bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần không chỉ của nạn nhân mà còn thành viên khác trong gia đình, tác động tiêu cực đến lực lượng lao động, hoạt động kinh tế. Một gia đình có bố mẹ thường xuyên cãi vã, đánh nhau sẽ khiến con cái chịu tổn thương lớn về mặt tâm lý... ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của một con người.
Có dấu hiệu "tội cố ý giết người" và có thể chịu tù chung thân

"Hành vi của người chồng chém vợ trong clip có dấu hiệu của tội giết người. Tuy nhiên, cần xem xét nguyên nhân cũng như thời điểm thực hiện hành vi nêu trên thì liệu có bị tác động về mặt tâm lý hay không? tinh thần có bị kích động mạnh hay không?... Trường hợp không có các yếu tố nêu trên, mà dùng dao đâm chém liên tiếp, muốn tước đi mạng sống của vợ thì có thể bị truy cứu về tội Giết người theo khoản 1 Điều 123 BLHS với tình tiết có tính côn đồ. Hình phạt có thể là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình" - Luật sư Hoàng Tùng - VP luật sư Trung Hòa (Đoàn LSTP Hà Nội).

Bảo Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)