Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, nói về lối sống không kết hôn, sinh con của một số cô gái trẻ ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Không con cái, không nhẫn cưới, hãy cứ sống thanh thản" trở thành câu “cửa miệng” của nhiều cô gái xứ Trung trong những năm gần đây. Đây được xem như lời kêu gọi của nữ giới hãy buông bỏ nỗi buồn về hôn nhân và tận hưởng sự yên bình của cuộc sống độc thân.
Xu hướng này trở nên phổ biến sau hàng loạt vụ việc gây sốc về bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục và các cuộc tấn công khác nhắm vào phụ nữ.
|
Người trẻ Trung Quốc ngày càng không hứng thú với hôn nhân. Ảnh: Today.
|
Tuy nhiên, sự lan truyền của khẩu hiệu này không chỉ là nỗi sợ về bạo lực, nó còn gắn liền với “làn sóng” của một diễn ngôn cấp tiến ở Trung Quốc chống lại kết hôn, sinh đẻ và nam giới.
Đối với các nhà hoạt động phản đối hôn nhân, phụ nữ lập gia đình và sinh con là “những con lừa”, còn đàn ông chỉ đơn giản là “đám người tinh ranh”. Một số người thậm chí còn suy nghĩ cực đoan sẽ phá thai nếu em bé trong bụng là trai.
Phụ nữ chỉ nên ở nhà?
Đối với nhiều người, “không con cái, không nhẫn cưới” là cách duy nhất để duy trì sự độc lập của họ.
Hơn một thế kỷ trước, trong phong trào Ngũ tứ diễn ra trên khắp Trung Quốc, hàng nghìn cô gái, thanh niên đã xuống đường để đấu tranh giải phóng cho nữ giới.
Hầu hết phụ nữ thời đó đều có câu chuyện của riêng mình kể về việc chia tay bạn đời hoặc chạy trốn khỏi một cuộc hôn nhân sắp đặt. Trong 60 năm tiếp theo, khả năng tìm được việc làm bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc gia đình được coi là dấu mốc mới cho sự tiến bộ và phá bỏ ràng buộc với phái nữ.
Tuy nhiên, việc rời bỏ gia đình có được cho là cởi bỏ "tấm áo chật" cho họ hay không? Câu hỏi này đã trở thành mối quan tâm của các học giả nghiên cứu về nữ giới ở Trung Quốc trong những năm 1980.
|
Việc phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động không được ủng hộ. Ảnh: SCMP.
|
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng công việc bên ngoài không thể thay đổi vai trò truyền thống của phụ nữ ở nhà. Thay vào đó, nó làm trầm trọng thêm gánh nặng của họ khi phải chiến đấu trên “2 mặt trận”: gia đình và nơi làm việc.
Trong một cuộc tranh luận rộng hơn về vai trò của phụ nữ vào những năm 1990, Zheng Yefu, giáo sư của Đại học Bắc Kinh, đã đề xuất một chiến lược bình đẳng giới gây tranh cãi: “no glass ceilings, no safety nets” (tạm dịch: không có trần kính, không có lưới an toàn).
Nội dung xoay quanh chỉ trích những nỗ lực thu hút phụ nữ tham gia lực lượng lao động, làm phá vỡ sự phân công và trật tự xã hội truyền thống. Do đó, Zheng kêu gọi không cản trở cũng như không ủng hộ việc phụ nữ đi làm.
Nội trợ toàn thời gian
Ngày nay, lựa chọn rút lui về làm nội trợ không còn bị kỳ thị như trước. Dữ liệu từ các cuộc khảo sát về địa vị xã hội của phụ nữ Trung Quốc cho thấy tỷ lệ việc làm dành cho nữ giới có xu hướng giảm trong vài thập kỷ qua.
Trong khi số người tin rằng “vị trí của đàn ông là ở ngoài xã hội, còn của phụ nữ là ở nhà” đã tăng từ 47,5% (năm 2000) lên 58% sau 5 năm.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Liệu phụ nữ có thực sự muốn rời khỏi lực lượng lao động? Hay họ đang bị gạt bỏ và đẩy ra rìa? Họ có cảm thấy bị bắt buộc phải từ bỏ công việc của mình vì áp lực gia đình hoặc các nhiệm vụ quá tải ở nhà không?
Theo Sixth Tone, trên thực tế, việc tư nhân hóa quyền tài sản từ những năm 1980 đã có tác động kép, buộc phái nữ phải gánh vác nhiều việc gia đình và chăm sóc trẻ em hơn, ngay cả khi nó khiến họ bị bất lợi trong môi trường làm việc.
Nhiều khẩu hiệu được đặt ra khuyến khích phụ nữ “hy sinh” trách nhiệm ở nhà và dành thời gian để cống hiến cho đất nước, tập thể. Lập luận này ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình của quốc gia đông dân nhất thế giới và được củng cố bởi các chương trình phúc lợi cùng nhiều biện pháp can thiệp khác.
|
Phụ nữ gặp nhiều bất lợi khi xin việc làm. Ảnh: Quartz.
|
Thời đại mà các cặp vợ chồng lý tưởng còn hơn cả tình đồng chí và việc có con thứ hai chỉ như thêm một đôi đũa đã không còn nữa. Thay vào đó, các gia đình hạt nhân tập trung kết hợp giữa sinh sản và tiêu thụ, với trọng tâm mới là nuôi dạy con cái song hành cùng việc xây dựng tình cảm gắn bó.
Sự thay đổi này đã ngầm củng cố vị trí của phụ nữ với tư cách là người chăm sóc gia đình và khiến họ trở thành ứng cử viên chính để ở nhà toàn thời gian.
Điều này được cho là gây xung đột với khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường việc làm, buộc họ phải xoay xở giữa công việc và cuộc sống gia đình. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng thì luôn nghĩ rằng phụ nữ sẽ đặt gia đình lên hàng đầu.
Trong bối cảnh như vậy, những khẩu hiệu như "không con cái, không nhẫn cưới, hãy cứ sống thanh thản" có sức hấp dẫn đặc biệt. Chúng làm giảm nhẹ sự mâu thuẫn giữa các lựa chọn mà phụ nữ ngày nay phải đối mặt.
Khi gặp phải những rào cản trong việc duy trì gia đình và sự nghiệp, họ nên cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn lựa, thay vì đắm chìm vào một cuộc chiến để cố gắng có cả hai, theo Sixth Tone.
Vì thế, một số phụ nữ muốn thăng tiến trong công việc sẽ hoàn toàn từ chối xây dựng gia đình.
Ai cũng có ước mơ
Theo Wu Xiaoying, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, điều khiến nữ giới đấu tranh giữa việc trở thành bà nội trợ hay cô gái công sở là do quan điểm cho rằng “ngôi nhà” là một mô hình cố định, tĩnh. Trong đó, phụ nữ đóng một vai trò thấp hơn.
Tuy nhiên, cấu trúc gia đình đã có sự linh hoạt và biến đổi đáng kể trong 4 thập kỷ qua với tốc độ phát triển của xã hội. Nhiều nghiên cứu về dịch chuyển giữa nông thôn - thành thị và thế hệ lao động nhập cư mới đã chỉ ra sự thành công của phụ nữ trong việc tác động tích cực đến cấu trúc gia đình.
|
Nhiều cô gái trẻ ngày nay sợ kết hôn và sinh con, vì sợ rơi vào tình thế bí bách trong quan hệ gia đình. Ảnh: The Conversation.
|
Họ đạt được sự độc lập về kinh tế, có tiếng nói trong gia đình, giúp xóa bỏ định kiến giới và việc phải phục tùng đàn ông.
Bên cạnh đó, điều này còn đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải sử dụng quyền lực của mình để lên tiếng thay cho phụ nữ.
Trước đây, phụ nữ xứ Trung được hưởng lợi từ các chính sách: trả lương bình đẳng, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, ít nhất là ở các khu vực thành thị. Nếu các phúc lợi này được duy trì, đây sẽ là một bước tiến lớn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới.