Bà Nancy Reed, 77 tuổi (sinh sống tại Mỹ), ngã xuống sàn nhà, bị thương ở cánh tay và tử vong khi vết thương nhiễm trùng. Các bác sĩ khám nghiệm tử thi xác định bệnh nhân tử vong do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người.
Đây là bệnh viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis) thường được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người”, một dạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng do liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương. Loại vi khuẩn này tồn tại trong nước lũ từ cơn bão Harvey thâm nhập vào vết thương rồi lan ra khắp cơ thể của người phụ nữ xấu số.
|
Bà Nancy Reed qua đời do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người. Ảnh: DailyMail |
Bà Reed không phải là trường hợp đầu tiên nhiễm vi khuẩn ăn thịt người từ nước lũ do bão Harvey. Trước đó, Atkins, lính cứu hỏa ở thành phố Missouri (Mỹ) bị rệp cắn khi đang lội giữa dòng nước lũ để cứu hàng xóm.
Vết cắn của con rệp khiến anh Atkins bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người. Rất may, anh được cứu sống nhờ phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hàng năm có 700-1.110 trường hợp nhiễm vi khuẩn ăn thịt người ở nước này.
|
Loại vi khuẩn này có thể sống trong nước. Ảnh: DailyMail. |
Các bác sĩ cho hay nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được tiêm kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, trong khi kháng sinh đang đi vào cơ thể, vi khuẩn ăn thịt người vẫn có thể lan ra các khu vực khác. Vì vậy, bệnh nhân phải được phẫu thuật ngay để loại bỏ các mô bị nhiễm khuẩn. Nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh tình sẽ trở nặng dẫn đến tử vong.
Theo CDC, triệu chứng khi nhiễm bệnh là vết thương bị sưng, loét, rộp da, người bệnh bị sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và nôn. Để điều trị, bệnh nhân bắt buộc phải dùng kháng sinh và phải trải qua phẫu thuật khi kháng sinh không vào được các mô nhiễm khuẩn.