Nhiều bệnh phát dịch cùng lúc
Từ hai tuần cuối tháng 9 đến nay, tại các bệnh viện nhi ở TP Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng tới khám và điều trị không ngừng tăng lên, trong đó có khoảng 60% số ca mắc bệnh nặng từ các tỉnh chuyển lên. Cùng với đó, số ca mắc bệnh sởi và sốt xuất huyết cũng bắt đầu tăng lên khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Ghi nhận tại khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện Nhi Đồng 1, 2-3 trẻ phải nằm chung một giường. Trong khi đó, khu vực hành lang, trước cầu thang máy, tất cả những chỗ trống đều là chỗ nằm cho người nhà và bệnh nhi. Chỉ riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, trung bình mỗi ngày khoa Sốt xuất huyết của bệnh viện cũng có khoảng vài chục trẻ nằm điều trị.
|
Giường bệnh quá tải, nhiều bệnh nhi và người nhà phải nằm ngoài hành lang. |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết lượng bệnh nhân đã bất ngờ tăng đột biến vào hai tuần cuối tháng 9. Hiện tại khoa Nhiễm - Thần kinh đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 150 trẻ bị tay chân miệng, trong đó có 2 bệnh nhi phải thở máy. Tại khoa còn có thêm 20 bệnh nhi đang nằm điều trị bệnh sởi và sốt xuất huyết. Lượng bệnh nhi nhập viện với 2 bệnh này cũng bắt đầu gia tăng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng cho biết khi các bác sĩ đang phải gồng mình chống dịch tay chân miệng thì dịch sởi cũng gia tăng. Nếu không kịp thời xử trí và cách ly tốt, nguy cơ lây lan của hai bệnh này rất cao. Đây là thời điểm bắt đầu mùa dịch nên số trẻ nhập viện dự kiến sẽ còn tăng.
Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện. Vào thời điểm này, tại khoa Nhiễm của bệnh viện luôn có hơn 100 trẻ nằm điều trị, trong đó có một số ca nặng độ 3, độ 4 và có những ca phải thở máy.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết bên cạnh bệnh tay chân miệng đang gia tăng mạnh thì bệnh sởi và bệnh sốt xuất huyết cũng cũng đang gia tăng nhanh.
Tương tự tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh tay chân miệng tăng khoảng 15% chỉ trong 2 tuần gần đây. Hiện tại khoa Nhiễm của bệnh viện đang điều trị nội trú cho 50 trẻ, trong đó có một số ca nặng.
|
Nhiều trẻ bị bệnh nặng phải cột tay chân để tránh bị co giật. |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, chỉ trong tuần 40, thành phố ghi nhận gần 600 ca sốt xuất huyết, gần 400 ca tay chân miệng và 25 ca sởi. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Những tháng cuối năm, các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao nhất trong năm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh đã tái bùng phát dịch sởi với 143 ca (năm 2017 không phát hiện). Tình hình này có thể làm tiếp tục gia tăng các ca bệnh trong thời gian tới".
Tăng cường biện pháp phòng chống
Trước tình hình dịch bệnh tăng đột biến, các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, mới đây tại buổi làm việc với các bệnh viện nhi về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bệnh viện nhi và các bệnh viện quận, huyện làm sao điều tiết số lượng bệnh nhân được điều trị phù hợp, tránh dồn bệnh, nhất là ở các tuyến trung tâm; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các bệnh viện tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ xa, giảm tình trạng bệnh nhi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng bệnh trở nặng.
|
Cho trẻ rửa tay thường xuyên sẽ phòng tránh dịch bệnh lây lan trong các trường học. |
Cùng với công tác sàng lọc bệnh và chuẩn bị mọi cơ sở vật chất cho việc điều trị bệnh, hiện nay, việc tuyên truyền cho cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh là hiệu quả nhất. Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các Trung tâm y tế trên địa bàn quận, huyện tăng cường chủ động phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, các địa phương nhanh chóng nắm bắt những ca bệnh để kịp thời hướng dẫn các biện pháp khử khuẩn; tại các trường học đã có ca bệnh cần thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch toàn diện đã được hướng dẫn và có sự giám sát; tăng cường truyền thông trong cộng đồng... đồng thời ngành y tế dự phòng quận cần có sự phối hợp với địa phương rà soát ở nhóm trẻ gia đình, ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Đối với dịch sởi đang có nguy cơ bùng phát, cần phải thực hiện rà soát và tiêm bù, tiêm vét đầy đủ cho trẻ dưới 2 tuổi nhưng tiêm chưa đủ mũi.
Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh tay chân miệng, bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn ra trong các trường học hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tích cực triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Theo đó, các cơ sở tổ chức giám sát phát hiện, cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm trong trường học; học sinh, giáo viên, công nhân viên bị các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, phát ban, nổi mụn nước cần nghỉ học, nghỉ làm để đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, không nên đến trường, lớp khi còn các triệu chứng, hạn chế tiếp xúc với người khác và chỉ quay lại trường học khi đã hết các triệu chứng bất thường. Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm gây dịch phải ở nhà cách ly đến hết thời gian quy định.
Nhà trường phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học; tổ chức nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng thuận tiện cho học sinh, giáo viên, công nhân viên và khách đến thăm trường; hướng dẫn rửa tay đúng cách và xây dựng thói quen rửa tay thường xuyên trong ngày cho học sinh; thực hiện vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, các vật dụng ăn uống của học sinh phải được rửa sạch trước khi sử dụng...