Chị Hường thắc mắc liệu có phải cán bộ y tế đã “ém” văcxin miễn phí để tiêm văcxin dịch vụ kiếm... “tiền lời” bỏ túi? Chị bỏ ra là 865.000đ để tiêm một mũi dịch vụ 5 trong 1 và mũi sởi - quai bị - Rubella.
Không phải “ém” mà là... tạm ngưng
Theo thông tin bạn đọc phản ánh, chúng tôi đã đi thị sát một số quận/huyện thì được biết là TPHCM đang bị “đứt hàng” nên phải chờ một thời gian nữa mới có. Một cán bộ ở Trạm Y tế phường 9, quận Tân Phú trả lời và hướng dẫn chúng tôi lên gặp cấp trên để biết thêm thông tin.
Ngày 7/4, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, Trung tâm Y tế Dự Phòng TPHCM đã nhận 50.000 liều lô văcxin Quinvaxem 1453127 hạn dùng ngày 18/7/2015 nhưng trước thông tin ca tử vong ở tỉnh Lâm Đồng ngày 16/3 có cùng số lô với lô văcxin của TPHCM vừa nhập về trong tháng 3 nên Sở Y tế TPHCM đã có công văn chỉ đạo cho Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM “tạm ngưng tiêm văcxin Quinvaxem lô 1453127 hạn dùng ngày 18/7/2015”, yêu cầu 24 Trung tâm Y tế Dự phòng quận/huyện tạm thời ngưng không tiêm văcxin 5 trong 1 (văcxin Quinvaxem) cho các cháu nhỏ. Sở Y tế TPHCM cũng đã đề nghị Viện Pasteur TPHCM sớm có ý kiến về việc sử dụng văcxin Quinvaxem lô 1453127.
|
Ảnh minh họa. |
Sở nói một đàng, Viện nói một nẻo
Chiều ngày 5/4, trao đổi với phóng viên về việc TPHCM có tiếp tục tiêm văcxin Quinvaxem lô 1453127 hạn dùng ngày 18/7/2015 cho các cháu bé hay có biện pháp thay thế loại văcxin khác thì BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng nghiệp vụ, Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp tục cho tiêm văcxin Quinvaxem lô 1453127 hạn dùng ngày 18/7/2015 do kết luận ca tử vong ở tỉnh Lâm Đồng không phải do văcxin gây ra. Có thể tuần tới Sở Y tế sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục tiêm vắc xin 5 trong 1 cho các trẻ nhỏ.
Trao đổi với chúng tôi thì TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho hay, Viện Pastuer chỉ có ý kiến cung cấp về chuyên môn chứ việc tiếp tục ngưng hay dùng tiếp lô văcxin này phải do Bộ Y tế quyết định. Do đó, khi các tỉnh/thành đã gửi văn bản cho Viện Pasteur TPHCM thì Viện đã làm công văn gửi ý kiến của các tỉnh/thành lên Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo. TS Trần Ngọc Hữu cũng cho biết thêm, tỉnh Lâm Đồng thì đã hủy văcxin Quinvaxem lô 1453127 hạn dùng ngày 18/7/2015 là đương nhiên, còn đối với TPHCM và tỉnh Vĩnh Long thì Viện Pasteur TPHCM chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế.
Theo văn bản số 479/PAS-KSDB của Viện Pastuer TPHCM gửi các Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Long và TPHCM về việc cung cấp chuyên môn và ý kiến về phản ứng sau tiêm văcxin Quinvaxem. Theo văn bản này thì kết quả của các ca phản ứng sau tiêm văcxin Quinvaxem ở khu vực phía Nam tử vong cuối năm 2012 và đầu năm 2013 có 3/5 ca tử vong có bệnh lý trước khi tiêm như ca tỉnh An Giang (2013): Sốc tim do biến chứng bệnh tay chân miệng giai đoạn 4 ngày thứ tư, dựa trên kết quả xét nghiệm tay chân miệng dương tính, ca tỉnh Kiên Giang (2012) tử vong của bé là suy tim cấp do viêm cơ tim, phù nề và xuất huyết nặng ở phỗi, tổn thương đa cơ quan trên cơ địa trẻ có văcxin Quinvaxem, dựa trên cơ sở kết quả pháp y và ca ở TPHCM (2012) thì chưa đủ cơ sở kết luận nguyên nhân trẻ tử vong sau tiêm trên cơ địa có hội chứng Down.
Được biết, mỗi tháng TPHCM có khoảng trên 40.000 trẻ cần chích ngừa. Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM đã chỉ đạo các quận huyện tuân thủ quy trình vận chuyển và bảo quản văcxin, khám sàng lọc trước khi chủng ngừa và theo dõi sát phản ứng sau tiêm, xử trí kịp thời các ca có biểu hiện nghi ngờ...
Đến thời điểm này Bộ Y tế vẫn chưa có quyết định dừng tiêm loại văcxin “5 trong 1” Quinvaxem. Trong ngày 25/3, đã có 44 cháu tiêm văcxin “5 trong 1” ở trạm y tế xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, Hải Dương thì hầu hết các cháu đều có biểu hiện ho, sốt nhẹ, da xanh tái, một cháu đã tử vong và 6 trẻ khác phải nhập viện vì những biểu hiện sốt, ho và dị ứng. Hiện nguyên nhân tử vong của cháu bé ở xã Tam Kỳ, Hải Dương vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã có thông báo về tai biến do văcxin “5 trong 1” Quinvaxem tại một số nước Sri Lanka, Pakistan và Bhutan có trẻ tử vong do tiêm loại văcxin này.
|
TIN LIÊN QUAN