Dịch bệnh ở Đà Nẵng vẫn khó lường

Google News

Dù cơ quan chức năng đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Đà Nẵng bước đầu được kiểm soát, tuy nhiên, dịch bệnh ở Đà Nẵng vẫn còn âm ỉ, với những ca mắc mới ở cộng đồng tiếp tục được phát hiện. Điều đáng lo ngại, là những ca bệnh mới có lịch trình và tiếp xúc rất phức tạp, khó lường.

Những bệnh nhân giữa chợ

Ngày 22/8, Sở Y tế TP Đà Nẵng liên tục phát thông báo khẩn để tìm người tiếp xúc với 4 bệnh nhân. Điều đáng lo nhất, 4 ca mắc mới gồm 3 tiểu thương và một thành viên ban quản lý chợ trên địa bàn quận Thanh Khê. Trong đó, chợ Siêu thị tại phường Thuận Phước) có 2 tiểu thương mắc COVID-19, hai bệnh nhân còn lại là tiểu thương chợ Tân Lập và thành viên ban quản lý chợ Lầu Đèn (kiêm tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú).

Để chủ động phòng chống dịch COVID-19 lây lan, chính quyền địa phương quận Thanh Khê đã cho tạm ngừng hoạt động 3 chợ. Đồng thời, thiết lập vùng cách ly khu vực chợ, áp dụng các biện pháp phong tỏa để phun khử khuẩn, lấy xét nghiệm các tiểu thương và người dân xung quanh. Trước đó, chợ Đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) cũng phải tạm ngừng hoạt động tiến hành cách ly để dập dịch khi một nữ tiểu thương tại chợ xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Dich benh o Da Nang van kho luong
Các công dân tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức đưa về địa phương để cách ly 14 ngày trước khi về nơi cư trú 

PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư nhận định, tình hình dịch tại Đà Nẵng đến nay đã bước đầu kiểm soát được dịch trên địa bàn toàn thành phố, tâm dịch là Bệnh viện Đà Nẵng về cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch còn phức tạp, khó lường do dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, nên tuyệt đối không thể chủ quan.

Trong thời gian tới đây, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới với số lượng được khống chế khoảng 10 ca/ngày trong vài ngày tới và sẽ dao động giảm dần ở những ngày tiếp theo cho tới cuối tháng 8 với điều kiện các biện pháp chống dịch quyết liệt vẫn được duy trì tốt như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Dương, kể cả khi số mắc mới về 0 cũng không có nghĩa là mầm bệnh đã hoàn toàn được làm sạch tại cộng đồng. Nguồn lây nhiều khả năng đã chui sâu, bám rễ tại một số nơi và sẽ là nguy cơ thường trực lây nhiễm cho người xung quanh và có thể sẽ gây ra các ca mắc mới không rõ nguồn lây bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, việc phải duy trì giám sát liên tục, chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người sốt, ho, đau họng, cảm cúm tại cộng đồng và tất cả các cơ sở khám chữa bệnh là vô cùng cần thiết và đây là chỉ số giám sát theo dõi dịch rất quan trọng.

“Giải cứu” công dân mắc kẹt

Hôm qua, gần 730 người dân Quảng Ngãi đã được chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức đưa về địa phương để tiến hành cách ly 14 ngày, trước khi về lại nơi cư trú. Đây là đợt “giải cứu” đầu tiên để đưa khoảng hơn 8.000 người dân các địa phương (chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, lao động tự do) đang kẹt lại Đà Nẵng khi dịch bệnh bùng phát. Hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã phối hợp khá nhịp nhàng từ việc bàn giao, tiếp nhận, bố trí phương tiện, cũng như thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình di chuyển, phòng chống dịch bệnh lây lan.

Gần 30 ô tô cỡ lớn được huy động trong ngày, đã vận chuyển hết công dân Quảng Ngãi đăng ký qua đường dây nóng về đến nơi an toàn. Chính quyền Quảng Ngãi cũng đã chuẩn bị 5 khu cách ly tập trung với sức chứa hơn 1.000 người theo quy định, để tiếp nhận công dân từ Đà Nẵng trở về.

Bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng, cho biết: thống kê sơ bộ hiện trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 6.400 học sinh, sinh viên và hơn 2.000 công nhân, lao động tự do “kẹt” lại vì dịch bệnh COVID-19.

Cũng trong ngày 22/8, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định về việc thành lập Bệnh viện dã chiến TP Đà Nẵng tại Cung Thể thao Tiên Sơn để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Một điều đáng lo ngại được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đà Nẵng công bố: trong số 243 bệnh nhân COVID-19 (tính đến 18h ngày 21/8) hiện đang được cách ly, chữa trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng, có tới 70,8% (172 trường hợp) bệnh nhân không có triệu chứng bệnh, có 31 bệnh nhân (12,8%) có tiên lượng từ nặng, rất nặng đến nguy kịch…

 

Theo Nguyễn Thành/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)