Đau đầu vì “nhiệm vụ” đẻ

Google News

“Có tuổi rồi sao không đẻ đi? Đẻ cho xong nhiệm vụ chứ? Sao mãi không đẻ?” – loạt câu hỏi này vợ chồng Quỳnh nghe cả tỉ lần từ hồi lấy nhau.

"Có tuổi rồi sao không đẻ đi? Đẻ cho xong nhiệm vụ chứ? Sao mãi không đẻ?” – loạt câu hỏi này vợ chồng Quỳnh nghe cả tỉ lần từ hồi lấy nhau. Ông bà hai bên sốt ruột đã đành, đây toàn người ngoài, hàng xóm láng giềng góp chuyện khiến cả hai cảm thấy ngột ngạt.
Nếu ông bà nội chỉ hỏi một câu nhẹ nhàng: “Đã có gì chưa hai đứa?” thì có lẽ Quỳnh không bức xúc đến thế. Quỳnh đã mâu thuẫn với mẹ chồng về chuyện ăn uống, sinh hoạt, giờ cả chuyện sinh con Quỳnh cũng thấy bực bội. Chuyện sinh con là của hai vợ chồng, vốn dĩ là chuyện riêng, nhưng ở quê, đó là chuyện của cả họ, cả làng. Cách tuần, mẹ chồng lại ướm hỏi, đẻ thôi còn chờ gì nữa? Đẻ cho xong nhiệm vụ…
Dau dau vi “nhiem vu” de
Ảnh minh họa. 
Quỳnh làm ngân hàng, cô mới đi làm được 2 năm nên vẫn trong quá trình học việc, áp lực đè nặng với đủ chỉ tiêu, giờ làm cũng khắt khe lắm. Chồng Quỳnh là Tuấn, làm nhân viên nhà nước, lương ba cọc ba đồng, tính cả lương cả lậu chưa được chục triệu. Chưa kể nhà chồng đang ở phố cổ, nhà chật chội, đi ra đi vào đụng nhau. Quỳnh chưa muốn sinh con để cố gắng ki cóp mua một căn hộ chung cư rộng hơn, chăm con đàng hoàng hơn. Hai vợ chồng thống nhất cưới nhau đến năm thứ 3 sẽ sinh con. Cả hai đứa đều muốn có thêm tiền tích trữ và cơ ngơi thoáng mát hơn cho con cái có một tổ ấm đúng nghĩa. Giờ mới cưới nhau được nửa năm mà ai cũng kéo Quỳnh lại để hỏi một câu, bao giờ đẻ?
Cứ đến đầu ngõ, dừng lại mua mớ rau, Quỳnh lại được nghe chuyện kể miễn phí từ mấy cô bác hàng xóm. “Con bé Hằng ở ngõ trên ấy, kém mày 5 tuổi, cưới sau mày 2 tháng mà bụng đã lùm lùm. Mày trẻ gì nữa mà không đẻ?”. Lại có bác nói thẳng với Quỳnh: “Bố mẹ cháu nhờ các bác động viên, bảo ban hai đứa đẻ sớm. Sớm được chừng nào hay chừng ấy”.
Quỳnh chỉ cười trừ, nói chúng cháu chưa sẵn sàng có con. Ngay lập tức cô bị dội gáo nước lạnh: “Khéo đến lúc muốn đẻ lại chẳng đẻ nổi. Tụi trẻ chúng mày nông cạn lắm, cứ đẻ 2-3 đứa cho hết nhiệm vụ rồi tính sau”.
Với nhiều người, sinh con là nhiệm vụ, nhưng với Quỳnh thì không. Nhiệm vụ của ai? Của vợ? Của phụ nữ? Câu nói “cho xong nhiệm vụ” khiến Quỳnh thấy mệt mỏi và stress cực độ. Với Quỳnh, con cái là duyên phận, là tài sản quý báu, là món quà hạnh phúc, không bao giờ là nhiệm vụ. Khi hai vợ chồng sẵn sàng đẻ con, hai đứa sẽ sinh con.
Tháng trước, nhà có giỗ, hai vợ chồng Quỳnh – Tuấn về quê thật sớm để góp sức cho đám cỗ. Các bà các chị tay làm miệng nói rôm rả. Ai cũng khen vợ chồng Quỳnh đẹp đôi, hai đứa có công việc ổn định rồi, nhà giữa phố cổ oách lắm rồi, còn đợi gì mà không đẻ? - Tuấn biết vợ khó chịu nên đáp lại vài câu vui vui: “Đợi rụng trứng”. Cả một góc sân cười rần rần. Tưởng nói thế là xong, ai dè một bà chị họ đáo để nói kháy chồng Quỳnh, “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”, xem nhà vợ có ai khó đẻ không mà đi chữa sớm đi, để lâu khó lắm. Chú cứ hồn nhiên vô tư là tốt, nhưng con cái là chuyện hệ trọng, phải làm ngay và luôn chứ ai lại để vợ coi nhẹ thế?!
Cả Quỳnh và Tuấn đều nghẹn cổ họng. Quỳnh như bị một cái tát giữa chốn đông người. Đẻ là nhiệm vụ của cả vợ và chồng, sao cứ chĩa mũi nhọn vào Quỳnh? Không đẻ vì Quỳnh coi nhẹ ư? Tai Quỳnh ù đi, cô chẳng còn tâm trí nào nhặt rau rửa thịt nữa. Cô ra một chỗ vắng cách nhà thờ họ một đoạn rồi đứng khóc. Tuấn biết vợ tự ái, nhưng giữa chốn đông người, anh không thể bỏ việc ra đứng riêng với vợ, mọi người sẽ chú ý đến Quỳnh. Tuấn để yên cho vợ một mình nguôi ngoai, ai ngờ lại khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng.
Cả hai không nhìn mặt nhau cả tuần, Tuấn giải thích kiểu gì Quỳnh cũng bỏ ngoài tai. Cô nói nhà chồng độc ác, cười trên sở thích mỉa mai người khác… Cả hai thấy việc đẻ con ngày càng trở nên căng thẳng, mệt mỏi.
Hôm qua, khi hai đứa làm lành với nhau, mẹ chồng gọi Quỳnh sang phòng nói chuyện. Bà nói một cách rất nghiêm túc, hai đứa phải đẻ con sớm. Bà lớn tiếng: “6 tháng cưới nhau mà không có bầu thì người ta dị nghị có gì sai? Người ta không nghĩ con khó đẻ thì còn nghĩ thế nào? Liệu mà đẻ sớm cho tôi có cháu bế, đẻ một đứa cho xong nhiệm vụ cũng được”.
Lại nhiệm vụ? Đẻ xong là xong ư? Quỳnh và Tuấn đều không hề coi nhẹ chuyện đẻ con, cả hai từ trước đến nay đều rất nghiêm túc. Tiền đâu đẻ con? Đẻ ra ai nuôi dạy? Tại sao ai cũng nghĩ chuyện sinh đẻ rất dễ nhỉ. Thời nào rồi còn tư tưởng trời sinh voi đất sinh cỏ?… Mẹ chồng chỉ hỗ trợ trông cháu được ngày nào hay ngày ấy, đâu có thể chăm sóc và nuôi nấng con hộ vợ chồng Tuấn – Quỳnh?
Những ngày còn độc thân, Tuấn và Quỳnh đều nghĩ chuyện con cái đơn giản lắm, lúc nào sẵn sàng thì đẻ, chẳng ai có thể thúc giục được, can thiệp được. Chuyện đẻ con mà cũng can thiệp vào thì còn gì là chuyện riêng? Vậy nhưng, khi bước vào hôn nhân rồi, cả hai mới thấy không dễ. Tối hôm ấy, cả hai nằm quay lưng lại nhau, im lặng. Rút cục, chuyện sinh con không thể được theo ý mình. Quỳnh thấy mệt mỏi và căng thẳng khủng khiếp. Cả hai nói chuyện một hồi, loanh quanh chuyện giờ đẻ thì ở đâu? Quỳnh có thể nuôi con ở cái khu phố cổ chật chội tối tăm này không? Ba thế hệ loanh quanh trong căn nhà hơn 30 mét vuông, con trẻ khóc một trận là cả ngõ thức dậy? Nhà chật, muốn thở mạnh cũng khó, muốn cãi nhau với chồng cũng khó, nói gì đến trông con… Cuộc hôn nhân nào cũng vậy, khó khăn nhất là chuyện ở chung 3 thế hệ với nhau, trong một diện tích hạn hẹp. Giải pháp thuê nhà thì Tuấn không đành lòng. Nhà trọ bé ti hin, nhiều loại người, không có sân chơi cho con như khu đô thị… Quỳnh không nói nhiều, cô ôm gối ngủ.
Sáng hôm sau, cả hai vợ chồng Quỳnh quyết định sẽ đẻ. Áp lực từ gia đình và họ hàng là thứ không dễ vượt qua. Nhưng cả hai vẫn thống nhất với nhau, đẻ con là mong muốn của cả hai, là niềm hạnh phúc của cả hai, nhất định không phải là nhiệm vụ. Tuấn bảo vợ, chúng mình sẽ sinh một đứa con để chứng minh với họ hàng là hai đứa đều có thể đẻ được, và cũng vì ông bà nội ngoại ngóng quá, sốt ruột quá. Đó không phải là nhiệm vụ, vì nếu có quan điểm đó, cả hai sẽ không đẻ.
Theo Minh Anh/ Baophunuthudo.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)