Chuyện "khó nói" ở hành lang bệnh viện

Google News

Chị bên cạnh nhấm nhẳng: “Bảo nó, muốn sướng 1 phút hay sướng cả đời, phải cố để mà đậu đi chứ lại”. Chị này lại tiếp: “Không thì em về nhà mẹ đẻ mà kiêng cho chú ấy”. “Nhưng chị ơi! Em sợ anh ấy xa em rồi lại bậy bạ ở đâu thì chết”.

Tầng ba Bệnh viện Phụ sản TƯ là khoa chữa hiếm muộn cho các cặp vợ chồng vô sinh. Chưa đến 8h sáng mà các cặp vợ chồng đã ngồi chật kín ở hàng ghế chờ. Những cặp đôi trẻ rất nhiều và già cũng không ít.
Trong không gian ngột ngạt, chật như nêm cối, nếu một họa sĩ tài tình xuất hiện hẳn sẽ khắc họa được vô số tâm trạng trên từng hình dạng khuôn mặt của mỗi người. Đó là những khuôn mặt mệt mỏi, lo âu. Những khuôn mặt khắc khoải, chờ đợi. Những khuôn mặt mang niềm hi vọng. Những khuôn mặt man mác buồn day dứt.
Những người đàn ông và những người đàn bà đang háo hức và vật vã trên hành trình đi tìm hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình và dòng họ của mình.
Những câu chuyện bên hành lang
Quan sát và tiếp xúc với các cặp vợ chồng mới thấy, bệnh hiếm muộn quả không chừa một ai, từ người “giàu nứt đố đổ vách” hay “nghèo xác nghèo xơ”, từ trai đang tân, gái đang xoan hay cả hai đã toan về già. Bạn tôi, một người chữa hiếm muộn kiên trì cả chục năm ròng rã tại bệnh viện, uống hàng trăm thang thuốc bắc và sau cả thảy sáu lần đặt phôi, đến lần thứ sáu mới có kết quả, năm nay bé trai kháu khỉnh đã hơn 1 tuổi.
Bạn bảo: “Vào đây rồi thì ai cũng giống ai, bắt chuyện làm quen dễ lắm, người nào cũng có nhu cầu muốn chia sẻ và họ sẵn sàng nghe chuyện của nhau".
Quả đúng vậy. Hai người phụ nữ nói chuyện với nhau, chị 40 tuổi hỏi chị 30 tuổi: “Này em, làm lần đầu hay lần thứ mấy rồi?”. Chị kia trả lời: “Lần này là lần thứ ba, em sốt ruột quá”. Chị 40 tuổi hỏi tiếp: “Do chồng hay vợ thế?”.
Chị 30 tuổi nói nhỏ nhưng nghe rất rõ: “Chồng em khỏe như vâm! Do em. Hai vợ chồng lấy nhau 6 năm rồi mà chưa có con. Em đang tiêm thuốc kích trứng, ngày phải tiêm đến 4 mũi vào bụng, người toàn trữ nước. Một đợt tiêm thuốc mất 20 ngày. Từ hôm tiêm đến giờ được hơn chục ngày rồi, em tăng thêm hai cân. Bác sĩ dặn chồng em là sinh hoạt vợ chồng ít thôi, nhưng em sợ anh ấy không chịu. Để đợi cho tinh trùng khoẻ còn lấy ra để thụ tinh với trứng của vợ”.
Chị bên cạnh nhấm nhẳng: “Bảo nó, muốn sướng 1 phút hay sướng cả đời, phải cố để mà đậu đi chứ lại”. Chị này lại tiếp: “Không thì em về nhà mẹ đẻ mà kiêng cho chú ấy”. “Nhưng chị ơi! Em sợ anh ấy xa em rồi lại bậy bạ ở đâu thì chết”.
Chuyen
Ảnh chụp tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. 
Chị lớn tuổi liền nói: “Ơ, cái cô này, cô muốn có con chẳng nhẽ chú ấy lại không muốn. Có khi chú ấy còn muốn có con hơn cả em nữa chứ. Em cứ thả chồng em ra, chú ấy không bơi mất đi đâu mà em sợ”.
“Phòng hạnh phúc” là nơi để lấy tinh trùng chỉ vừa đủ kê một cái giường đơn, không nệm, không chăn, không gối. Có một cây sắt treo quần áo trên đầu giường và một cuộn giấy vệ sinh. Còn lại hoàn toàn trống trơn. Có một cặp từ đấy bước ra. Trên tay cô vợ là lọ đựng, khuôn mặt hớn hở.
Một bác trai khoảng 50 tuổi bảo: “Làm cho qua chuyện thôi, chứ giờ này, ai còn cảm thấy gì”. Chị bên cạnh bảo: “Thế là xong một công đoạn”. Một bạn gái nói: “Chưa chắc đâu chị ơi! Hôm nọ có một anh phải lấy đến bốn lần tinh trùng đấy. Cứ một tuần lại đến “phòng hạnh phúc” lấy một lần. Bốn lần lấy bác sĩ mới lọc ra được lượng tinh trùng tối thiểu để một lần thụ tinh”.
Bạn tôi bảo: “Lấy được tinh trùng ra là mới xong công đoạn đầu thôi. Còn lấy trứng của người vợ nữa. Bác sĩ sẽ cấy cho tinh trùng gặp trứng thành phôi, khi phôi được rồi thì mới đưa vào cơ thể người mẹ để mang thai. Việc mang thai có đậu được hay không còn phụ thuộc vào cơ thể người mẹ có thích ứng với phôi đấy hay không.
Theo quy định của bệnh viện, sau 14 ngày cấy phôi vào buồng trứng, người mẹ thử máu sẽ có kết quả chính xác. Nhiều người đậu thai, giữ được đến tháng thứ ba rồi còn để bị sảy đấy”. Tôi ngạc nhiên bảo: “Ôi thế thì vất vả nhỉ?”.
Bạn nói: “Cậu cứ tưởng tượng cái phôi như một cái cây. Cái cây mọc lên từ đất tự nhiên sẽ khoẻ mạnh cứng cáp hơn là cái cây bứng từ nơi khác đến trồng trong chậu. Nên cần phải chăm sóc rất kì công, tỉ mỉ…”.
Rồi bạn kể vào đây mỗi người một hoàn cảnh, lúc đầu ông chồng nào cũng hào hứng đi cùng vợ đến khám, cả một liệu trình điều trị kích trứng mất 20 ngày chồng đưa vợ đi một bước không rời. Mười bốn ngày chờ đợi kết quả, cả hai vợ chồng đều hồi hộp, lo lắng, run rẩy.
Đến khi thụ tinh không thành công, cầm kết quả trên tay, người vợ trào nước mắt nhưng khó khăn hơn là thông báo kết quả cho chồng. Sẽ phải nói gì? Đối mặt ra sao? Và những ngày dài sau đó không khí thật nặng nề phủ trùm gia đình, mặc dù ai cũng cố tỏ ra bình thản.
Lần đầu, lần thứ hai đi thụ tinh ống nghiệm, ngày bác sĩ trả lời đậu thai hay không chồng còn hào hứng gọi điện cho vợ hỏi thăm nhưng những lần thụ tinh sau đó, thấy vợ không điện thoại thì người chồng sẽ tự biết: “Lại hỏng thêm một lần nữa rồi”. Bạn bảo: “Những lần đi làm, hi vọng càng lớn thì thất vọng lại càng nhiều. Mình buồn, chồng nản. Nhiều khi rơi vào bế tắc”.
Mỗi người mỗi phận
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, sáng nào cũng đông kín bệnh nhân. Tại phòng làm việc của Giám đốc, bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi đang tư vấn cho đôi vợ chồng quê ở Hà Nam.
Chị đã có con với người chồng đầu, chồng thứ hai của chị cũng có con với người vợ đầu nhưng đứa bé lên 8 tuổi không may ra tắm sông bị chết đuối. Anh chị lấy nhau 7 năm vẫn chưa có con chung, đây là lần thứ hai họ đi thụ tinh ống nghiệm.
Ông căn dặn hai vợ chồng: “Có người làm thụ tinh một lần thì được luôn, có người hai lần, ba lần có khi lần thứ bốn mới được. Có người làm mấy lần không được nhưng về quan hệ tự nhiên lại có thai. Do đến bệnh viện kích trứng rồi sự khao khát mong mỏi làm mẹ lại về, quan hệ tự nhiên được. Do vậy cả hai vợ chồng phải có nghị lực, có niềm tin tuyệt đối sinh đẻ được. Rồi ăn uống những đồ có chất để tăng cường nội tiết như hải sản biển, con hàu sống, gỏi cá hồi, cá ngừ. Chồng thì uống một chén nhỏ rượu dâm dương hoắc…
Buổi tối trong phòng ngủ nghe âm nhạc du dương, ánh đèn vàng mờ ảo, chăn gối giường nệm sạch sẽ, vợ chồng thơm tho. Phải có sự thơ mộng của tình yêu, hai người gắn kết với nhau, nội tiết tố, buồng trứng của người vợ phát triển to đầy ra niêm mạc, tử cung tốt chuẩn bị đón thai. Ngược lại người chồng cũng ham muốn thì tinh trùng mới phát triển, chứ lăn ra ngủ, rồi chán đời uống rượu là yếu tố làm cho tinh trùng hỏng đi. Chán đời ngồi thức thâu đêm làm cho tinh trùng yếu đi. Chán đời hút thuốc lá cũng làm mất đi tinh trùng”.
Ông cũng khuyên hai vợ chồng sau đợt điều trị về quê đi ngôi chùa nào gần nhà mình nhất lễ Phật thánh. Ông tin vào sự bí ẩn của thế giới tâm linh, và ông luôn nói rằng để thụ tinh thành công còn nhờ vào hồng phúc của bản thân và của tổ tiên, dòng họ.
Trong hành trình chữa trị cho các bệnh nhân hiếm muộn, bác sĩ Lợi bảo, có biết bao nhiêu câu chuyện kì lạ. Theo lời kể của ông: Cách đây ít ngày, một buổi sáng, bệnh viện tiếp nhận một ca đặc biệt. Cậu thanh niên 25 tuổi, Trần Tuấn Anh học thạc sĩ bên Nhật đã có người yêu.
Cậu mới biết mình mắc ung thư nên đã bay về quê nhà cốt chỉ nhờ bệnh viện lấy tinh trùng để bảo quản. Sau đó cậu lại sang Nhật để xạ trị ung thư. Cậu báo cho người yêu khi nào cậu chẳng may chết đi, nếu còn yêu và muốn có con với cậu thì người yêu sẽ đến lấy tinh trùng cậu gửi ở đây để sinh con.
Hay cách đây không lâu, ngay tại địa bàn Hà Nội, một bệnh nhân bị tai nạn giao thông 26 tuổi mới lấy vợ nhưng chưa có con. Bệnh nhân bị chết não ngay tại hiện trường và trên đường đưa vào bệnh viện thì qua đời.
Gia đình của nam thanh niên hội ý xong gọi điện đến bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, mời bác sĩ đến làm thủ thuật lấy tinh trùng ra giữ bảo quản để sau này làm phương pháp thụ tinh cho người vợ của nam thanh niên vắn số.
Theo bác sĩ Lợi, khi người chết qua đời, lấy tinh trùng trong giờ đầu tiên là tốt nhất. Còn chậm nhất là trong vòng ba giờ tiếp theo.
Một phụ nữ 33 tuổi có một bé gái xinh xắn lên 7 tuổi và hiện nay đang độc thân, muốn có con theo phương pháp thụ tinh ống nghiệm nhưng lần này dứt khoát muốn con mình sinh ra là một bé lai tây hoàn toàn, mắt xanh, da trắng, tóc vàng. Chị bảo: “Con thế mới xinh” nên chị đang đi xin tinh trùng của một người đàn ông ngoại quốc chính hiệu.
Bác sĩ Lợi kể rằng vào phòng bệnh nhân có tám người, người thì nói chuyện với gia đình rất phấn khởi, người thì quay mặt vào trong khóc thầm, người thì rỉ nước mắt, người thì sững sờ, bươn bả thu dọn nào chậu, xoong nồi, quần áo, khoác ba lô ra về, nhìn bác sĩ cũng chẳng muốn chào...
"Trong một ngày rất nhiều bệnh nhân như thế, tâm trạng mình hết vui lại đến buồn, hết buồn rồi lại vui” - ông chia sẻ.
Theo ANTG

>> xem thêm

Bình luận(0)