Lợi ích sức khỏe
Theo Health, chôm chôm chứa một số chất dinh dưỡng, bao gồm chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt giàu đồng, mangan và niacin.
Mangan là khoáng chất liên quan chức năng miễn dịch, hệ thần kinh và chuyển hóa năng lượng. Trong khi đó, đồng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, hình thành hồng cầu, sản xuất năng lượng và chuyển hóa sắt. Niacin, thường được gọi là vitamin B3, là vitamin B cần thiết cho nhiều quá trình quan trọng.
Chôm chôm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nếu biết cách sử dụng hợp lý - Ảnh minh họa
Theo bà Jillian Kubala, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, chôm chôm có một số lợi ích đối với sức khỏe. Cụ thể:
Hỗ trợ sức khỏe đường ruột: Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một khẩu phần 100g cùi chôm chôm cung cấp 0,61-6,5 g chất xơ, tương đương 3 - 23% nhu cầu chất xơ hàng ngày. Chôm chôm chứa chất xơ hòa tan và không hòa tan, cả hai đều đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe.
Chất xơ hòa tan trong chôm chôm được lên men bởi vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tạo ra các axit béo chuỗi ngắn (SCFAs). SCFAs giúp nuôi dưỡng tế bào ruột, giảm viêm và cải thiện các triệu chứng của một số bệnh tiêu hóa. Chất xơ hòa tan cũng giúp nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Trong khi đó, chất xơ không hòa tan trong chôm chôm giúp tăng thể tích phân, hỗ trợ nhuận tràng và tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ giảm cân và điều chỉnh lượng đường trong máu.
Một nguồn giàu chất chống oxy hóa: Vitamin C trong chôm chôm đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, da liễu và hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại.
Lượng vitamin C trong chôm chôm có thể đáp ứng 24 - 77% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Ngoài ra, chôm chôm còn chứa nhiều polyphenol có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Lưu ý khi ăn chôm chôm
Mặc dù quả chôm chôm rất ngon và nhiều dinh dưỡng, bạn cần ăn đúng cách. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, nên loại bỏ hạt và vỏ chôm chôm. Chọn những quả chôm chôm còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng.
Không nên ăn chôm chôm quá chín vì có thể gây tăng cholesterol. Nguyên nhân là lượng đường trong chôm chôm chín nhiều dễ dẫn đến chuyển hóa thành choles.
Người đang bị đầy bụng, khó tiêu, nóng trong, mụn nhọt… không nên ăn chôm chôm, vì có thể khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, bà bầu cũng không nên ăn quá nhiều chôm chôm để tránh gây ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé…