Dạy dỗ con cái quả là một chuyện không hề dễ dàng đối với những bậc làm cha mẹ. Có những giai đoạn, con cái sẽ trở nên mất kiểm soát, đôi khi còn cho rằng cha mẹ không hiểu chúng và bắt đầu hình thành tư tưởng thù ghét. Vậy thì bậc cha mẹ phải làm gì mới phải?
Một người dùng Zhihu đã chia sẻ câu chuyện về cách dạy con của người bạn đồng nghiệp của mình giúp chúng ta chiêm nghiệm được nhiều điều.
Trong công ty tôi chỉ có một chị đồng nghiệp vô cùng yêu thương con mình, chị sẵn sàng làm mọi chuyện vì bọn trẻ. Chị có đứa con trai ngoan ngoãn và luôn biết yêu thương mẹ, khi đến tuổi dậy thì, chị cũng quan tâm và chăm sóc cho thằng bé từng chút một.
Chị ấy là một người mẹ vô cùng cởi mở, đến mức có thể lên kế hoạch sắp xếp bữa ăn lãng mạn cho đứa con trai và bạn gái trong dịp lễ Valentine. Thế nhưng, ở độ tuổi "nổi loạn", đứa con trai lại bồng bột thốt ra những lời đau lòng đối với một người mẹ như chị: "Con hận mẹ. Mẹ đi chết đi".
Vậy thì cớ sao từ một cậu bé từng hớn hở chạy đến ôm và nói yêu mẹ, nói không bao giờ rời xa mẹ, giờ đây lại cảm thấy hận mẹ rồi?
Đó có lẽ là cả một quá trình tích tụ những sự bất mãn hoặc có thể là cá tính trỗi dậy muốn phản nghịch chẳng hạn,… Một khi cảm xúc đã đến đỉnh điểm, nó sẽ bộc phát khiến những người mẹ phải ngỡ ngàng và tự hỏi tại sao mình không hề hiểu con một chút nào.
Lúc này đây, chúng ta không nên bắt ép hay gò bó con cái. Nếu như vậy, chúng sẽ cảm thấy bị bí bách và dần dần mất kiểm soát hơn.
Vì vậy, các bà mẹ trong hoàn cảnh này hãy nên buông tay và thả lỏng, để chúng đi trải nghiệm và cảm nhận thế nào là thế giới không có mẹ. Hãy để con cái khám phá những thứ tình cảm mới như tình yêu, tình bạn,… để chúng cảm nhận niềm hạnh phúc hoặc đau khổ mới. Đến một lúc nào đó, chúng sẽ nhận ra những tháng ngày bên mẹ tốt đẹp biết bao, nhận ra chúng cũng từng rất hạnh phúc khi có mẹ.
Hiện tại, đứa con trai của chị đã đi học đại học xa. Mọi chuyện cũng bắt đầu thay đổi. Cậu ấy không còn ghét bỏ mẹ mình nữa. Mỗi ngày cậu đều gọi điện về cho mẹ hỏi han và đôi khi còn làm nũng, câu nói con yêu mẹ cũng xuất hiện thường xuyên hơn.
Lập luận của chị là: "Một gia đình cho dù có đầm ấm tới cỡ nào thì ít nhiều cũng tồn lại một vài lúc làm tổn thương con cái. Con cái khôn lớn thì chúng ta phải biết buông tay, tách ra, để con từ từ được rèn giũa và chữa lành những vết thương trong gia đình bằng cách trải nghiệm tình bạn, tình yêu trong thời đại học, công việc,…".
Vậy đấy, không phải lúc nào bậc cha mẹ cũng hiểu và nắm bắt được tâm lí của con cái mình. Trong một vài giai đoạn, đặc biệt là độ tuổi dậy thì, tâm sinh lí bất ổn định, đôi khi chúng ta nên cho con cái khoảng thời gian để chúng tự cảm nhận cuộc đời. Để từ đó, chúng mới nhận biết đúng sai một cách rõ ràng hơn và trân trọng những gì đang có.