Tổ chức Y tế Thế giới thống kê, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Việt Nam mỗi năm có thêm 200.000 người mắc, 104.000 ca tử vong vì nguyên nhân này.
Các cơn đột quỵ thường đến bất ngờ, dễ gây tử vong nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời. Năm 2003, các nhà khoa học tại Mỹ đã phát hiện bài kiểm tra chỉ kéo dài một phút, giúp chẩn đoán nhanh người bị đột quỵ. Bài kiểm tra này đơn giản đến mức một đứa trẻ cũng có thể sử dụng.
Bài kiểm tra theo nguyên tắc F.A.S.T
Theo tiến sĩ Jane Brice, Đại học North Carolina-Chapel Hill School of Medicine, bài kiểm tra này dựa trên thang điểm do các nhà nghiên cứu của Đại học Cincinnati phát triển.
Bài kiểm tra gồm 3 phần, có thể chẩn đoán hầu hết trường hợp bị đột quỵ. Tiến sĩ Brice và các đồng nghiệp đã đo độ chính xác của bài kiểm tra này trên 100 người khỏe mạnh và người sống sót sau đột quỵ.
Kết quả cho thấy nó chính xác đến 97%. Ngoài ra, bài kiểm tra giúp phát hiện tới 96% người bị đột quỵ nhờ bất thường ở giọng nói, 97% với những người gặp vấn đề về cánh tay, 72% khi tìm ra điểm yếu trên khuôn mặt.
Sau đó, nó được đưa vào tài liệu chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng như hướng dẫn y tế tại nhiều quốc gia, tổ chức khác trên thế giới. Khi đó, chúng được bổ sung thêm một số yếu tố và trở thành nguyên tắc F.A.S.T để phát hiện sớm người bị đột quỵ.
|
Bài kiểm tra người bị đột quỵ dựa trên 4 yếu tố là Face (khuôn mặt), Arm (cánh tay), Speech (lời nói) và Time (thời điểm). Ảnh: Freepik.
|
Bài kiểm tra F.A.S.T được thực hiện như sau:
Face (Khuôn mặt): Đột quỵ sẽ gây tê liệt, yếu một số dây thần kinh, nhất là trên khuôn mặt. Khi cơn đột quỵ xảy đến, dây thần kinh III, VI, VII của nạn nhân có thể bị thương tổn dẫn đến dấu lác mắt hay sụp mí. Do đó, khi nghi ngờ ai đó bị đột quỵ, bạn nên yêu cầu họ mỉm cười để xem có bị xệ, lệch mặt không.
Miệng của người bị đột quỵ thường lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ, mắt sụp. Một số bệnh nhân bị liệt cơ mặt, không thể cười hoặc cử động miệng bình thường.
Cánh tay (Arm): Yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên cao và kiểm tra họ có thể thực hiện dễ dàng không hay gặp khó khăn. Người bị đột quỵ thường không thể nhấc cả hai tay lên do yếu, liệt cơ tay.
Lời nói (Speech): Biểu hiện thứ 3 của người bị đột quỵ đó là rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói lắp. Vì vậy, chúng ta có thể kiểm tra tình trạng đột quỵ bằng cách yêu cầu họ lặp lại một cụm từ, câu ngắn, đơn giản.
Thời điểm (Time): Đây là từ khóa không nhằm để kiểm tra nhưng nó nhắc nhở chúng ta về nguyên tắc tối khẩn khi cấp cứu người bị đột quỵ. Bởi đột quỵ là tình trạng "nghìn cân treo sợi tóc", bệnh nhân cần được cấp cứu, điều trị càng sớm càng tốt để tránh các hậu quả đáng tiếc. Do đó, khi gặp những triệu chứng trên, người nhà cần gọi cấp cứu ngay và ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Ngoài ra, một số người gặp tình trạng điển hình như đột ngột rối loạn thị giác ở một hay hai bên; khó đi, đứng, choáng váng, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp động tác; đau đầu không rõ nguyên nhân… Biểu hiện bệnh trong một số trường hợp diễn ra âm thầm, khó phát hiện. Nhiều trường hợp gặp tình trạng rối loạn ý thức.
|
Tình trạng đột quỵ luôn xảy ra bất ngờ, không loại trừ lứa tuổi nào. Ảnh: Freepik. |
Làm gì khi thấy người bị đột quỵ?
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thường không có dấu hiệu báo trước. Khi thấy người bị đột quỵ, việc đầu tiên chúng ta cần làm đó là nhanh chóng đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế. Sau 3-6 giờ bị đột quỵ, bệnh nhân nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà nên sơ cứu cho nạn nhân. Nếu bệnh nhân có ý thức, chúng ta cần đặt họ nằm gối cao 30-45 độ và cố gắng không di chuyển họ. Người nhà nên nới lỏng quần áo, bỏ khăn quàng cổ (nếu có); nếu người bệnh bị lạnh, hãy dùng chăn hoặc áo khoác để giữ ấm.
Bệnh nhân cần được kiểm tra đường thở, nếu có dị vật hay chất nôn trong miệng, bạn hãy đặt họ nằm nghiêng để tránh sặc. Bạn không nên cho người bệnh ăn bất kỳ thức ăn, chất lỏng, đặc biệt, không nên sử dụng thuốc ngậm hạ huyết áp.
|
Thời gian là yếu tố sống còn khi cứu chữa người bị đột quỵ. Ảnh: Shutter Stock. |
Nếu bệnh nhân bất tỉnh, người nhà cần đặt họ nằm nghiêng, cánh tay để trước ngực, một chân thẳng, gập đầu gối chân còn lại. Sau đó, chúng ta nâng cằm của người đó và hơi nghiêng đầu về phía sau; nhìn xem ngực họ có cử động không; lắng nghe nhịp thở. Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu thở, họ cần hô hấp nhân tạo (hồi sức tim phổi).
Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, các chuyên gia khuyên chúng ta nên có chế độ ăn lành mạnh, khoa học; tập luyện thể thao thường xuyên; kiêng chất kích thích. Đột quỵ là bệnh có khả năng tái phát cao. Do đó, mỗi người cần chú ý những thay đổi của sức khỏe, thường xuyên kiểm tra cơ thể theo nguyên tắc F.A.S.T nhằm phát hiện bệnh kịp thời.