|
Lượng rượu người bố uống cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn cồn cho thai nhi (minh họa) |
Hơn 50 năm qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về việc mẹ uống rượu trong khi mang thai. Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng chỉ một ly rượu mỗi tuần có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, khả năng nhận thức và hành vi cũng như hình dạng khuôn mặt của trẻ.
Trong nhiều thập kỷ, các chiến dịch y tế công cộng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không có lượng rượu nào an toàn cho các mẹ bầu. Việc tiếp xúc với rượu trước khi sinh có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau về hành vi, nhận thức và học tập, chẳng hạn như chậm nói. Các tác động này là biểu hiện của “hội chứng rối loạn cồn ở thai nhi” (FAS).
Tuy nhiên, một yếu tố tiềm ẩn khác góp phần gây ra FAS hầu như vẫn bị bỏ qua: lượng tiêu thụ rượu của người bố. Ông Michael Golding, nhà sinh lý học phát triển tại Đại học Texas A&M (Mỹ), người nghiên cứu về mối liên hệ giữa rượu và bào thai, cho biết nghiên cứu về sinh sản “quá tập trung vào phụ nữ, lấy người mẹ làm trung tâm đến mức chúng ta chưa thực sự nghiên cứu kỹ lưỡng về phía đàn ông”.
Cho dù ý tưởng người bố uống rượu trước khi người mẹ thụ thai sẽ ảnh hưởng đến con cái nghe có vẻ xa vời, nhưng các nghiên cứu dân số gần đây đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ có bố uống rượu thường có sức khỏe yếu hơn. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2021 khảo sát hơn nửa triệu cặp vợ chồng Trung Quốc cho thấy nguy cơ dị tật bẩm sinh – như hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh và dị tật đường tiêu hóa – sẽ cao hơn nếu người bố uống rượu trước khi thụ thai, ngay cả khi mẹ không uống rượu.
Một nghiên cứu dân số khác từ Trung Quốc đã so sánh 5.000 trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh với 5.000 trẻ khỏe mạnh. Một lần nữa, mặc dù nguy cơ tổng thể vẫn tương đối thấp, nhưng trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh cao gần gấp ba lần nếu bố các em uống rượu - cụ thể là uống hơn 50ml rượu mỗi ngày trong ba tháng trước khi mẹ mang thai.
Điều quan trọng cần lưu ý là nguy cơ dị tật bẩm sinh nói chung vẫn còn tương đối thấp. Ví dụ, trong nghiên cứu năm 2021 về các dị tật bẩm sinh khác nhau ở Trung Quốc, hở hàm ếch chỉ xuất hiện ở 105 trong số 164.151 trẻ có bố uống rượu. Nhưng điều này khiến khả năng hở hàm ếch ở con cái của những người bố uống rượu cao gấp 1,5 lần so với những người bố không uống.
Các nhà nghiên cứu viết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng những ông bố tương lai nên được khuyến khích thay đổi lượng rượu tiêu thụ trước khi thụ thai để giảm nguy cơ cho thai nhi, vì tỷ lệ 31,0% các người bố uống rượu là đã làm tăng đáng kể nguy cơ dị tật bẩm sinh”.
Tuy nhiên, việc xác định liệu việc uống rượu của người bố có thực sự gây ra những vấn đề này hay không, thay vì chỉ liên quan đến chúng, vẫn rất khó. Cho dù các nhà nghiên cứu đều kiểm soát các yếu tố gây nhiễu, chẳng hạn như liệu người bố có hút thuốc hay không, họ không thể tính toán từng tác nhân tiềm ẩn.
“Các nghiên cứu về con người rất lộn xộn – có rất nhiều yếu tố gây nhiễu”, ông Golding nói. “Chế độ ăn uống của cá nhân là gì? Họ có tập thể dục không? Có rất nhiều thứ khiến việc nghiên cứu trở nên cực kỳ khó khăn”.
Bởi vì việc thiết lập một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT), “tiêu chuẩn vàng” của nghiên cứu khoa học, không thể áp dụng cho việc tiêu thụ rượu và mang thai của con người, ông Golding đã quyết định thử nghiệm với chuột.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, nếu một con chuột cái uống rượu khi mang thai, con của nó sẽ biểu hiện một số triệu chứng sinh lý dự kiến của FAS. Nhưng khi cả con đều uống rượu, những thay đổi về hình dáng sọ và mức tăng trưởng tổng thể sẽ tồi tệ hơn. Nhóm của ông Golding cũng phát hiện ra hình dạng khuôn mặt của một con chuột cũng phụ thuộc vào lượng rượu mà bố của nó đã uống.
Trong khi tác động của việc uống rượu là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, thì hậu quả các hình thức phơi nhiễm khác từ người bố đã được nghiên cứu kỹ hơn. Ở cả người và chuột, có bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của khói thuốc lá. Chẳng hạn, con cái của những người bố hút thuốc có nhiều khả năng bị dị tật bẩm sinh hơn, mắc bệnh bạch cầu và có lượng mỡ thừa trong cơ thể.
Mặc dù vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng việc tiêu thụ rượu của người mẹ có ảnh hưởng lớn hơn trong sự phát triển của thai nhi so với của người cha. “Cồn trong máu phụ nữ được truyền trực tiếp qua nhau thai và vào thai nhi, vì vậy đó là tác động vô cùng trực tiếp đến sự phát triển”, bà Elizabeth Elliott, bác sĩ nhi khoa và giáo sư về sức khỏe trẻ em tại Đại học Sydney (Úc), cho biết. Bà cũng là nhà nghiên cứu FAS lâu năm và là đồng tác giả của một bài đánh giá học thuật gần đây về FAS.
Tất nhiên, điều đáng lưu ý là con người không phải chuột. Các con chuột có thể cung cấp một số ý tưởng về những gì có thể xảy ra với con người, nhưng đó không phải là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, bà Elliott và những nhà nghiên cứu khác khuyên rằng chúng ta vẫn không nên bỏ qua việc uống rượu của người bố. Bà Elliott tin rằng đã đến lúc các chiến dịch y tế công cộng phải giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp hơn.
Vậy dựa trên nghiên cứu cho đến nay, lượng rượu thế nào là “an toàn” cho người bố khi người mẹ có thể mang thai? Hiện chưa có dữ liệu cho vấn đề này. Nhưng ông Golding tin rằng “chỉ nên uống rất ít rượu” - đặc biệt bởi vì khi người bố giảm uống rượu kết hợp với tập thể dục và ăn uống lành mạnh có thể cải thiện đáng kể kết quả sức khỏe cho con cái.
Mặc dù tác động chính xác của việc người bố uống rượu vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà nghiên cứu đều đồng ý về một điều. “Người mẹ phải hứng chịu áp lực rất lớn. Nhưng sức khỏe người bố cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Cả hai phụ huynh đều có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của em bé”, ông Golding nói.