Tôi đã có hai con, một trai, một gái và cả hai lần sinh tôi đều bị những triệu chứng của trầm cảm sau sinh. Đến bây giờ, khi hai con đã khôn lớn mỗi khi nhìn lại khoảng thời gian đó tôi lại cảm thấy “nổi gai ốc”. Trầm cảm sau sinh âm thầm gặm nhấm, hành hạ tinh thần người mẹ và bùng phát thành hành động không thể kiểm soát nổi.
Tôi bị trầm cảm sau sinh cả hai lần, lần hai nặng hơn lần một. Sinh con thứ hai, sau một ngày đau đẻ, bác sĩ khám vẫn chưa mở, tôi được chỉ định mổ đẻ. Vừa chịu đau đẻ thường, vừa chịu đau do vết mổ đẻ, tôi gần như không còn sức lực.
|
Ảnh minh họa |
Một ngày sau khi sinh đứa thứ hai, tôi nhìn con ngủ trên giường với ánh mắt đầy căm thù. Lúc ấy tôi đã nghĩ: “Vì nó mà mình phải chịu đau đớn thế này. Đáng lẽ con không nên sinh ra trên cuộc đời này. Quyết định đẻ đứa thứ hai là một sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi”.
Khoảng thời gian ở cữ, mặc dù có sự hỗ trợ có mẹ chồng, mẹ đẻ nhưng những lúc đứa lớn lăn ra ốm, đứa nhỏ ngủ ngày, thức đêm, tôi như muốn phát điên. Đã có những đêm bế ru con ngủ hàng tiếng đồng hồ mà con vẫn không chịu ngủ, khóc ngằn ngặt trên tay, tôi đã ném con xuống giường như ném cục bông. Thằng bé khóc thét khiến tôi giật mình, rồi lại cảm thấy tội lỗi và ghê tởm với chính bản thân mình.
Thời gian này, tôi và chồng liên tục có những trận cãi nhau chỉ vì tôi luôn cảm thấy cuộc đời thật bất công. Tại sao trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái với cả hai là như nhau mà chồng vẫn hàng ngày đi làm, gặp gỡ bạn bè và mọi mối quan hệ khác còn tôi thì không. Tôi đã từng cảm thấy tuyệt vọng, cô đơn khi bị giam trong bốn bức tường, cái giường và một khối đỏ hỏn cả ngày chỉ ăn ngủ, ị tè.
Có lần bế con đi siêu thị gần nhà, thằng bé khóc ngằn ngặt trên tay, tôi đã ôm con lao ra giữa đường đâm đầu ô tô tự vẫn để mong kết thúc chuỗi ngày vất vả, khổ sở. May mắn, chiếc ô tô kia đã phanh kịp, chỉ cách mũi bàn chân tôi khoảng 10cm. Đứng áp sát mũi ô tô, trên tay là thằng con ra rả khóc, tôi chợt nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh.
Đúng lúc ấy tôi biết mình mắc bệnh nhưng không biết gọi tên là bệnh gì?. Tôi đã quyết định đi gặp bác sĩ và được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Câu hỏi lúc ấy hiện lên đầu tôi là: “Trầm cảm sau sinh là bệnh gì mà lạ lùng như vậy?”. Những tháng ngày mang bầu, hơn ai hết tôi là người mong ngóng nhất cái ngày được gặp gỡ con yêu. Vậy tại sao, giờ sinh nó ra rồi, có những lúc tôi cảm thấy căm ghét nó đến vậy.
Tôi bắt đầu bước vào thời gian điều trị, khoảng 3 tháng sau, tôi mới nhận ra bệnh tình của mình và mức nghiêm trọng của căn bệnh này. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn tự cho mình may mắn, bởi tôi đã kịp nhận ra và chưa làm hại đến con.
Cùng với việc dùng thuốc, mỗi tuần tôi cố gắng tới bác sĩ tâm lý 1 lần, sắp xếp lại mọi việc để có thời gian mỗi ngày 1, 2 tiếng cho riêng mình. Tôi dùng vốn thời gian đó để gặp gỡ bạn bè, đi uống cafe với chồng.
Chồng tôi cũng đã quan tâm hơn đến vợ, phụ giúp vợ trong việc chăm sóc con. Và tôi nhận ra một điều, cứ hôm nào cuối tuần, chồng được nghỉ ở nhà chơi với con, chăm con là tôi thấy đời tươi phơi phới. Mọi bực dọc, phiền muộn tự tan biến mà không cần phải dùng đến thuốc, đến biện pháp điều trị nào.
Với những ai đang cảm thấy mệt mỏi, khổ sở sau sinh, để không mắc vào chứng bệnh này, tôi khuyên mọi người đừng cô lập bản thân, cố gắng hòa nhập với gia đình và bạn bè càng nhiều càng tốt. Nếu có thể, hãy trải lòng với những người thân yêu của bạn. Việc làm này không chỉ giúp bạn tìm thấy sự đồng cảm, mà còn có thể mang đến cho bạn nhiều kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con. Bận rộn trong niềm vui được nói cười với mọi người sẽ giúp bạn vui vẻ, không có thời gian cho những nỗi buồn độc chiếm tâm hồn.
Hãy dành thời gian yêu chiều bản thân, làm những công việc yêu thích của bạn như trang điểm, mua sắm, nghe nhạc, xem phim, trồng cây… Được sống với đúng sở thích, tâm trạng bạn sẽ cải thiện theo hướng tích cực hơn rất nhiều. Đừng lo không có thời gian chăm sóc em bé, người thân bên cạnh sẽ trợ giúp bạn việc này.
Và hơn hết, từ kinh nghiệm của bản thân, tôi mong các bà mẹ sau sinh hãy thường xuyên tâm sự, chia sẻ việc nuôi con với chồng.
Một bầu không khí thoải mái vui vẻ trong gia đình, một thái độ quan tâm ân cần, những lời nói tích cực và chế độ ăn uống thích hợp, đủ dinh dưỡng cũng như có sự chia sẻ trong việc chăm sóc con của người chồng… sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp các bà mẹ sau sinh vượt qua được những khủng hoảng dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh.