Đây là tâm trạng của chị Ngà (Sơn Tây, Hà Nội) khi có con đang vật vã với những tuần học đầu tiên ở bậc tiểu học.
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các bậc phụ huynh không cho con đi học trước lớp 1 đều rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi tối nào cũng phải "đánh vật" cùng con ôn lại bài.
Chị Lê Quỳnh Mai (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, chương trình học lớp một năm nay có nhiều khác biệt. Thứ nhất, do dịch bệnh nên năm nay các con không được học lớp 36 buổi để làm quen với nhà trường và mặt chữ như mọi năm. Vì thế, sau ngày khai giảng, các con học chữ luôn.
|
Mẹ xót xa nhìn con gầy rộc đi sau 3 tuần học lớp 1. (Ảnh minh hoạ) |
Thứ hai, chương trình năm nay cũng tăng cường môn Tiếng Việt. Thay vì học thuộc bảng chữ cái trước và viết thành thạo chữ cái rồi mới đến ghép vần như cách học cũ thì năm nay học chữ nào ghép chữ ấy và ghép câu luôn.
“Con nhà em không đi học trước, còn chưa thuộc hết mặt chữ cái giờ phải học ghép vần rồi ghép câu nên việc học với cháu rất khó khăn”, chị Mai cho biết.
Vậy là, thay vì được vui chơi cùng con, vợ chồng chị Mai hàng tối phải chia nhau kèm con học. “Từ hôm con đi học, tối nào cũng như tối nào, tôi mất vài ba tiếng để kèm con. Nhưng khốn khổ nhất là dạy mãi con không biết viết, không biết đọc, cáu quá nên mẹ mắng con, khiến tâm hồn con bị tổn thương chỉ vì đi học chữ. Còn đâu là mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, chị Mai than vãn.
Chị Lý Ngọc Ngà (Sơn Tây, Hà Nội) cũng trong tình cảnh tương tự. Chị băn khoăn không biết có bố mẹ nào giống như chị không khi hàng tối lại đau đầu với công cuộc "săn bắt con tri thức" cùng con.
Chỉ trong một buổi học, một đứa trẻ 6 tuổi phải nhớ 4 chữ gồm nh, th, p và ph; kèm theo đó là đọc câu “nhà bé thi ở phố nhỏ, phố nhà thi có phở bò”. Trong khi đây mới là tuần thứ 3 cháu đi học”, chị Ngà cho biết.
Chị kể, mỗi tối về nhìn thấy con tay cầm bút còn run run vậy mà cũng cố ấn thật mạnh bút viết. Những dòng chữ xiêu vẹo hiện ra theo bàn tay con trên trang vở mà mẹ không biết phải nói sao.
“Tối qua thấy bé vất vả quá, bố bảo thôi nghỉ đi con, vậy mà bé chẳng dám nghỉ khi chưa xong bài. Hôm nào cũng vậy, vừa viết, vừa học số và đánh vần là trọn buổi tối. Học nhồi học nhét, nhiều hôm tối học, sáng ra mẹ hỏi lại bé đã quên. Bực mà chẳng nỡ mắng bé, từ khi đi học bé gầy mất 1,5kg rồi”, chị Ngà than thở.
Thực hiện đúng khuyến cáo không nên cho trẻ học chữ trước, con gái chị Kim Hoa (Ba Đình, Hà Nội) vào lớp Một "như tờ giấy trắng", chỉ biết vài ba chữ cái mà chưa hề biết một nét cơ bản nào. “Lớp hơn 30 bạn, cô không ngồi kèm từng con được, ngay cả viết mẫu vào vở để con tập viết có hôm cũng không làm kịp. Hệ quả là con viết tùy hứng, chẳng theo quy định gì hết”, chị Hoa nói.
Chẳng còn cách nào khác, tối tối chị Hoa phải ngồi tập tô cùng con. Ơn giời, sau hai tuần quyết liệt, con đã bắt đầu biết viết thẳng hàng, thẳng lối. Từ kinh nghiệm bản thân mình, chị Hoa khuyến cáo các bố mẹ có con vào lớp Một năm học sau nên cho con học trước.
“Không cần nhiều, chỉ cần con biết các nét cơ bản, biết ghép những vần đơn… để tránh tình trạng con bị quá tải, có lúc tưởng như không theo được giống như bạn nhà tôi. Đến giờ, sang tuần học thứ 3 thì bé mới bắt đầu muốn đi học. Trước đó, 2 tuần liền sáng nào cũng khóc ti tỉ xin ở nhà”, chị Hoa chia sẻ.
"Khi học cùng con mỗi tối, thay vì quát tháo, bố mẹ cần phải kiên nhẫn, cố gắng giúp con thoải mái. Ở trên lớp con đã kém hơn các bạn rồi. Nếu không được cô giáo khen, thua kém so với bạn bè, trẻ cũng buồn đấy. Vì thế, bố mẹ đừng trút giận mà hãy cùng con giải quyết những khó khăn này", chị Hoa nói thêm.
Với “chiến lược” như vậy, sau hai tuần vào lớp 1, con gái chị Hoa đã bắt đầu biết viết theo đúng quy định. Bé gái 6 tuổi bây giờ không còn hoảng sợ mỗi sáng trước khi đến trường.