Nước mưa ảnh hưởng đến mắt thế nào?
Chúng ta thường nghĩ rằng nước mưa rất tinh khiết, nhưng thực tế là nước mưa vẫn chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và chất phản ứng hóa học từ môi trường công nghiệp và các thành phố lớn nhiều khói bụi. Điều này thực sự có thể gây hại nếu mắt chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nước mưa mà không có sự bảo vệ nào.
Ảnh minh hoạ.
Theo các bác sĩ nhãn khoa, khi mắt tiếp xúc trực tiếp với nước mưa, chúng ta có thể gặp các bệnh như viêm kết mạc, loét giác mạc, khô mắt, viêm đỏ mắt… Trong đó, viêm và loét giác mạc do vi khuẩn hoặc nấm có thể gây ra các triệu chứng như đau mắt đỏ, chảy máu nhẹ và tình trạng thị lực suy giảm nghiêm trọng.
Viêm kết mạc
Viêm kết mạc là một trong những bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến nhất thế giới. Bệnh này còn được gọi là đau mắt đỏ. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus nên khả năng lây lan cao.
Các triệu chứng của bệnh là ngứa, đỏ mắt, cảm giác như có thứ gì đó cộm trong mắt, chảy nước mắt và nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong nhiều trường hợp, đau mắt đỏ tự khỏi sau khi dùng một số loại kháng sinh và thuốc nhỏ mắt do bác sĩ kê đơn. Nhưng đôi khi, bệnh có thể kéo dài và cần chăm sóc y tế để ngăn ngừa các biến chứng như gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
Mắt đỏ
Mắt đỏ là thuật ngữ gọi chung chỉ tình trạng tròng trắng mắt chuyển sang màu đỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ nhiễm vi khuẩn, virus, dị ứng, chấn thương hay các vấn đề sức khỏe như tăng nhãn áp.
Mắt đỏ có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Do đó, người mắc cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng đỏ kéo dài không khỏi.
Viêm kết mạc dị ứng
Đây là loại nhiễm trùng do một số phản ứng dị ứng gây ra. Chính phản ứng dị ứng này đã khiến mắt bị viêm. Các tác nhân có thể gây viêm kết mạc dị ứng là phấn hoa, bụi hay lông của một số vật nuôi như chó, mèo. Các triệu chứng thường gặp của bệnh là mắt đỏ, chảy nước mắt và sưng mí mắt.
Lẹo mắt
Lẹo mắt là tình trạng mà vi khuẩn tụ cầu vàng, loại vi khuẩn thường sống trên da, gây nhiễm trùng nang lông mi. Nhiễm trùng sẽ khiến mi mắt hình thành cục u, gây đau và khó chịu.
Khi mắc bất các vấn đề về mắt nào như trên thì người bệnh nên đi kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Một trong những cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt vào mùa mưa là chớp mắt. Chớp mắt thường xuyên sẽ giúp mắt được làm ẩm, nhờ đó giúp tránh khô mắt, rửa trôi chất gây dị ứng, theo Healthline.
Chăm sóc và bảo vệ mắt vào mùa mưa
Tránh không để nước mưa rơi trực tiếp vào mắt
Mắt sẽ xuất hiện triệu chứng đau, đỏ rát sau khi tiếp xúc liên tục với nước mưa mà không có kính bảo hộ. Khi mưa rào lớn, nước mưa rơi với vận tốc mạnh va vào mắt, khiến mắt bị tổn thương đau rát và đỏ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Sử dụng kính mắt, kính chống giọt bắn hoặc mũ bảo hiểm có kính chắn gió khi lưu thông trên đường với xe máy, giúp bảo vệ, tránh được tình trạng nước văng vào mắt và tránh được các dị vật nhỏ văng vào mắt.
Tránh dùng tay trực tiếp dụi mắt
Chúng ta thường có thói quen lấy tay dụi mắt khi bị ngứa, thế nhưng hành động này luôn tiềm ẩn những vi khuẩn có thể ảnh hướng đến mắt, hãy đảm bảo tay luôn được rửa sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi đi mưa về. Chúng ta có thể dụi mắt đúng bằng cách nhắm mắt lại và nhẹ nhàng dùng bông tiệt trùng lay nhẹ trên mi mắt.
Vệ sinh mắt sau khi đi mưa về
Việc đầu tiên sau khi về nhà là cần rửa mặt với nước sạch, sử dụng khăn sạch/ bông tiệt trùng để lau khô mặt và mắt, mí mắt. Sử dụng nước nước muối sinh lý nhỏ mắt để loại bỏ những vi khuẩn có hại.
Tuyệt đối không sử dụng chung khăn mặt, việc dùng chung khăn mặt với người khác sẽ dễ lây các bệnh về mắt. Khăn mặt cần được giặt sạch sẽ và phơi khô dưới nắng hoặc tiệt trùng trước khi sử dụng.