18 bệnh nhân sốc phản vệ: Có thể do nước không tinh khiết?

Google News

Theo các bác sĩ, trường hợp sốc phản vệ tập thể 18 người ở Hoà Bình là việc hi hữu.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sáng 29/5, khi đang chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ, đã xảy ra sốc phản vệ tập thể. Đến thời điểm này, đã có 5 người tử vong.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong trường hợp này không thể do thuốc, bởi mỗi bệnh nhân có loại thuốc khác nhau. Ví dụ bệnh nhân bị tăng huyết áp kèm suy thận sẽ dùng thuốc khác, tiểu đường kèm suy thận sẽ dùng thuốc khác.

Vị cán bộ này nghi ngờ, có thể do nước trong quá trình chạy thận. Nước để chạy thận nhân tạo buộc phải là nước siêu tinh khiết.

Trong hệ thống chạy thận nhân tạo, nước là một trong hai nhân tố quan trọng nhất. Trung bình một bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần tới 22.000 lít nước siêu tinh khiết mỗi năm. Do thận hư không còn khả năng lọc các tạp chất, ion và vi khuẩn xâm nhập vào máu từ nước truyền nên rất dễ có những rủi ro bất ngờ, kể cả tử vong.
18 benh nhan soc phan ve: Co the do nuoc khong tinh khiet?
 Ảnh minh họa.
Các nguyên tố vô cơ như nhôm, thuỷ ngân, đồng, chì kẽm và các độc tố hữu cơ như nitơrat, nitrit, amoniac, chloramine, vi khuẩn, tảo, nấm đều gây tai biến.

Do đó, nước dùng cho thận nhân tạo cần phải được xử lý nghiêm ngặt: Đầu tiên là lọc thô, điều chỉnh nhiệt độ và pH. Sau đó là làm mềm, khử khoáng bằng trao đổi ion. Tiếp theo, nước được đưa qua bồn lọc carbon hoạt tính để hấp phụ các tạp chất hữu cơ.

Công đoạn tinh lọc bắt đầu bằng màng Thẩm thấu ngược, chỉ cho nước đi qua và giữ lại tạp chất còn sót, kể cả các ion/chất điện phân. Để chắc chắn hơn, có thể cho nước qua bộ trao đổi ion, khử toàn bộ các anion và cation.

Nếu một bệnh nhân chạy thận khi sử dụng nước có vấn đề là bệnh nhân có biểu hiện rét ngay. Bác sĩ biết can thiệp sớm thì bệnh nhân tránh được nguy cơ sốc phản vệ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – chuyên khoa gây mê, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết, sốc phản vệ có thể xảy ra với bất cứ ai.

Nguyên nhân của sốc phản vệ trong quá trình điều trị rất khó tìm thấy, nhất là bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Nhưng với trường hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình xảy ra hôm nay, rất có thể là do một loại tác nhân, tác động cùng lúc lên các bệnh nhân. BS Tuấn cho biết, việc xác định được chính xác nguyên nhân loại thuốc hay chất nào gây ra sốc phản vệ, là không có giá trị.

Người ta chỉ có thể xác định chắc chắn được một số loại thuốc, hoá chất gây ra sốc phản vệ, sau khi bệnh nhân ổn định, tại những cơ sở y tế có trang bị Labo mạnh về miễn dịch học, vì có rất nhiều trường hợp dương tính hay âm tính giả.

Hơn thế, việc xác định chính xác nguyên nhân thuốc hay hoá chất nào gây ra sốc phản vệ không cần thiết tại thời điểm xảy ra sốc phản vệ, vì tất cả các trường hợp bị bệnh lý này đều có biểu hiện giống nhau như đã nói ở trên.

Việc quan trọng là phải phát hiện, xử lý đúng và nhanh chóng. Trong những tình huống nguy kịch như vậy, thời gian vàng được tính bằng giây chứ không phải bằng phút.

Hiện nay, nguyên nhân trường hợp 18 bệnh nhân ở Hoà Bình bị sốc phản vệ, 5 người chết, vẫn đang được công an điều tra làm rõ.
Theo Phương Thúy/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)