13 ca mắc cúm A tại trường học: Cách phòng bệnh hiệu quả

Google News

Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh nền thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lào Cai, ngày 30/9 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Khánh, huyện Bắc Hà phát hiện có 13 ca bệnh cúm A. Ngày 01/10/2024, tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên, qua giám sát cũng đã phát hiện 03 trường hợp dương tính với cúm A, 05 trường hợp dương tính với cúm B. Hiện tại các ca bệnh đang được theo dõi, điều trị, cách ly, diễn biến ổn định, không ghi nhận các trường hợp có diễn biến nặng.
Các đơn vị y tế huyện Bắc Hà và Bảo Yên cũng đang tiến hành điều tra các yếu tố dịch tễ nơi bệnh nhân sinh sống và làm việc, phát hiện sớm chùm ca bệnh, ổ dịch nếu có.
13 ca mac cum A tai truong hoc: Cach phong benh hieu qua
 Phun khử khuẩn tại khu nhà bán trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Khánh. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Lào Cai.
Bệnh cúm mùa có nguy hiểm?
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.
13 ca mac cum A tai truong hoc: Cach phong benh hieu qua-Hinh-2
 Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi,... Ảnh minh họa
Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Phòng chống bệnh cúm mùa
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm A/B ở học sinh trong trường học và cộng đồng, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc biến chứng như trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người lớn mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch (điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Giang Thu

>> xem thêm

Bình luận(0)