Đây là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách.
“Cúm A dễ biến chứng suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản, nhiễm khuẩn thứ phát... và nguy cơ tử vong” - BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.
Sốt 2 – 3 ngày đã… “thập tử nhất sinh”
Bà H. 57 tuổi (Hà Nội) sau 1 ngày cảm sốt thông thường với các biểu hiện: Sốt, hắt hơi, sổ mũi thì thấy xuất hiện tức ngực, khó thở. Đến ngày thứ 3 bị bệnh, bà được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp phải thở oxy. Hai ngày sau khi nhập viện, tình trạng suy hô hấp tiến triển trầm trọng, bà rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”, sốc nhiễm trùng, phổi trắng xóa... tiên lượng rất nặng.
Tương tự ông H. (69 tuổi, Hà Nội) chỉ sau 4 ngày xuất hiện những triệu chứng cúm đã phải đặt ống thở máy vì tình trạng suy hô hấp diễn biến nặng. Bệnh nhân có tình trạng phổi trắng trên phim chụp X-quang, tổn thương phổi 50-60% và tổn thương lan tỏa hai bên... Tiền sử bệnh nhân có nhiều bệnh nền như suy thận mạn tính, cao huyết áp, tiểu đường, biến chứng tai biến mạch máu não. Ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu....
|
Chăm sóc bệnh nhân mắc cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. |
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một tháng trở lại đây, số ca mắc cúm A vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gia tăng nhanh chóng. Hiện cơ sở đang điều trị cho hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng phải thở máy, trong đó, 8 bệnh nhân có bệnh lý nền.
Khảo sát của PV Khoa học & Đời sống cho thấy, cúm A đang bùng phát tại các tỉnh phía Bắc, nhiều gia đình cả nhà nhiễm bệnh.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày khoảng 100 - 150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Riêng Trung tâm bệnh nhiệt đới đang điều trị hơn 70 ca, chiếm gần 1 nửa số bệnh nhi tại đây. Phần lớn trẻ bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy, có 2 ca suy hô hấp phải thở máy do nhiễm cúm trên nền bệnh tim và thuyên tắc động mạch phổi. Ngoài ra, 1 số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim...
TS Vũ Ngọc Long, Phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng nhưng không phải là sự bất thường vì đang trong thời điểm giao mùa Đông Xuân.
Các chủng vi rút cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng vi rút gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B, hiện chưa ghi nhận các chủng vi rút cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9). Chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này.
|
Chăm sóc trẻ nhiễm cúm A tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Theo BS Phúc, hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Nguyên nhân: Người mắc các bệnh nền béo phì, tiểu đường, huyết áp... liên quan trực tiếp đến hô hấp là tim mạch (cao huyết áp, bệnh mạch vành…) và phổi (viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính...) nên khi bị cúm A tiến triển rất nhanh, đặc biệt tổn thương ở phổi.
Thông thường, trẻ bị cúm A thường diễn biến nhẹ, phục hồi sau 5-7 ngày, tuy nhiên với trẻ dưới 5 tuổi hoặc có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... cúm A có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng... và gia tăng nguy cơ tử vong.
Không tự ý dùng thuốc
ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương nhấn mạnh, đối với người khỏe mạnh, bệnh diễn biến lành tình thì sau 3- 5 ngày sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Việc tự mua kháng sinh điều trị bệnh này sẽ không có tác dụng, thậm chí có hại cho cơ thể. Bởi kháng sinh không diệt vi rút cúm mà càng khiến bệnh diễn tiến nặng hơn cũng như làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.
Điều quan trọng nhất trong phòng ngừa và điều trị cúm là giữ gìn sức khỏe, gia tăng sức đề kháng vì vi rút cúm không tự sinh sản được mà phải nhờ bộ máy di truyền của tế bào cơ thể người bệnh. Vì thế, không thể ngăn cản sự sinh sản của siêu vi bằng thuốc tây mà phải nâng cao hệ miễn dịch để chống lại nó. Cách tốt nhất là ăn uống cân bằng dưỡng chất, sống có lao động nghỉ ngơi hài hòa với vui chơi giải trí…
Người mắc cúm A thường mệt mỏi và chán ăn. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và khiến cho quá trình hồi phục của người bệnh lâu hơn rất nhiều. Do đó, ngoài việc tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần đảm bảo bổ sung dưỡng chất theo những quy tắc như sau: Ăn uống đủ chất dinh dưỡng; Ăn những loại thức ăn dễ tiêu; Bổ sung vitamin từ rau củ, trái cây; Uống nhiều nước.
Người mắc cúm A nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng như: Rau củ và trái cây có màu xanh đậm, bao gồm rau cải xoăn, rau ngót, bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, gấc, cà chua,…
Thực phẩm có chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, giúp cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng, phòng ngừa biến chứng bệnh như: Ổi, dâu tây, nho, kiwi, cam, quýt, chuối, lê, táo, ớt chuông, bông cải xanh,… Những loại thực phẩm có chứa nhiều kẽm để tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng hiệu quả như: Các loại thịt nạc, sò, hàu, tôm, cua, cá, trứng, sữa,… Ngoài ra nên tăng cường các loại gia vị có tác dụng với bệnh như: Tỏi, gừng, mật ong.
Tuyệt đối không nên ăn thức ăn cứng, thức ăn nhanh, nhiều giàu mỡ... để tránh bệnh nặng thêm. Nên ăn nhẹ, thức ăn dễ tiêu. Có thể uống sữa không đường, cháo giải cảm (gạo, đậu xanh, cá, lươn, hoặc tôm khô nấu nhừ thêm nhiều hành củ giã nát). Ăn nóng. Lưu ý không dùng nhiều gạo và đậu xanh để cháo được loãng.
Bộ y tế khuyến cáo biện pháp phòng tránh
Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiên vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Box: Người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết. Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc làm mất khả năng điều trị khi bệnh tiến triển nặng.