>>> Clip trục vớt tàu đẩy sà lan đâm sập cầu Ghềnh (Thực hiện: Thiên Dũng):
Theo quan sát của PV báo Kiến Thức, sau 10 ngày chìm dưới nước, khi được cẩu lên bờ thì các thớ gỗ của thân tàu đã bị vỡ toác. Phần cabin biến dạng, dưới thân tàu có nhiều lỗ thủng lớn.
Trong quá trình trục vớt, cơ quan chức năng đã phải để tàu chìm lại xuống sông 2 lần do dây cáp bị đứt, thân tàu rời rạc. Phải đến lần thứ 3, đơn vị trục vớt mới đưa được con tàu lên sà lan đề đưa vào bờ.
|
Tàu đẩy sà lan đã được trục vớt thành công. |
Vị trí trục vớt chiếc tàu đẩy nằm ngay chỗ nhịp dầm số 3 cầu Ghềnh được cẩu lên một ngày trước đó, cách mố cầu số 3 khoảng 20m.
Hiện dưới sông vẫn còn nhịp dầm số 2 và trụ mố giữa cầu Ghềnh đang chìm. Nhịp dầm số 2 đã được đơn vị trục vớt cho thợ lặn cắt xong thành hai phần dưới nước và dự kiến chiều nay sẽ trục vớt lên sà lan.
Như Kiến Thức đã đưa tin, vào trưa 20/3, chiếc tàu đẩy của ông Phan Thế Thượng, cũng là tài công chính được giao cho Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) lái, đẩy chiếc sà lan chở theo 800 tấn cát từ miền Tây lên Đồng Nai.
Khi đến khu vực cầu Ghềnh (Đồng Nai), cả hai không xử lý được tình huống làm sa lan đâm vào cầu Ghềnh. Vụ va chạm khiến mố giữa cùng hai nhịp dầm cầu sập xuống sông, đường sắt đứt mạch. Chiếc sà lan lật úp và tàu đẩy cũng bị chìm xuống sông Đồng Nai.