Theo quy định của Bộ GTVT, để được cấp một giấy phép lưu hành đặc biệt vận chuyển hàng hóa siêu trường siêu trọng rất chặt chẽ. Trong đó quy định trách nhiệm của bên vận tải rất cụ thể. Theo đó, phải chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bảo đảm an toàn cho người, hàng hóa và công trình giao thông.
Nội dung chủ yếu của phương án gồm: Khảo sát hành trình chạy xe (tuyến đường, đoạn đường, cầu, phà được đi); vi trí địa hình nơi xếp dỡ; yêu cầu hỗ trợ hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông trên đường khi phương tiện vận chuyển đi qua; tốc độ xe đi, giờ đi, điểm đỗ...
Việc khảo sát, thiết kế nhằm gia cố tăng cường năng lực chịu tải và khả năng thông qua của đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận. Thậm chí trong các trường hợp xe quá tải, quá khổ đặc biệt mà khi lưu hành phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe CSGT dẫn đường, hộ tống. Quy định thì chặt chẽ nhưng tại Việt Nam, việc tuân thủ thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo Nhà máy phong điện Bình Thuận (xã Bình Thạnh, Tuy Phong) để hoàn thành lắp đặt theo dự kiến 80 trụ điện gió cao 85m cộng cả tua bin nặng đến 225 tấn và đường kính cánh quạt lên đến 77m, nặng 85 tấn do Hãng Fuhrlaender (Đức) cung cấp từ Cảng Sài Gòn về Tuy Phong, Bình Thuận theo đường bộ rất khó khăn và chặt chẽ từng mét đường.