Hiện tượng người chết đi sống lại được các nhà khoa học đã nhận định là hiện tượng chết lâm sàng, tuy nhiên, nguyên nhân nào khiến người chết có thể tỉnh lại, vẫn là một bí ẩn đến nay chưa thể lý giải một cách chính xác.
Đã tắt thở, ngồi dậy gọi bố mẹ
Gia đình đang lo hậu sự thì cậu bé đã chết bất ngờ sống lại giữa đám tang mình, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người là câu chuyện kể về cụ ông Rơ Châm Ip, (74 tuổi, trú tại làng Bloi, thị trấn Yaly, huyện Chư Păh, Gia Lai).
|
Cụ ông Rơ Châm Ip. |
Ngày đó, cậu bé Rơ Châm Ip đang bình thường bỗng dưng lăn đùng ra, nằm bất động giữa nhà. Gia đình vội vã kiểm tra thì cậu bé Ip mặt mũi tím tái và đã tắt thở.
Già làng và các bậc cao niên đã quyết định chọn giờ đẹp, ngày đẹp để đưa Ip ra nhà mồ (nghĩa địa). Dân trong làng cũng đã kéo nhau đến chuẩn bị làm lễ theo nghi thức của người đồng bào J’rai. Rượu cần lúc đó đã được bày sẵn giữa sân, lợn đã được mổ thịt, đem ra nướng. Mọi người đã quây quần ngoài sân, chờ đến giờ tốt để làm lễ, thì bỗng nhiên cậu bé đã chết bất ngờ ngồi dậy, ôm choàng lấy mẹ trước sự ngỡ ngàng của người dân.
Sau đó, cả dân làng đã nổi lửa ăn mừng đến đến khi mặt trời mọc lưng chừng núi mới giải tán.
Từ sau cái lần chết hụt, Ip lớn lên khỏe mạnh. Dân làng ai cũng tin rằng, Ip chính là điềm lành mà Yàng đã ban cho làng Bloi sau khi đến vùng đất mới. Khi già làng cũ mất, lúc đó Rơ Châm Ip 34 tuổi, nhưng đã được dân làng bầu làm già làng mới. Một tiền lệ xưa nay hiếm, với chức già làng đòi hỏi kinh nghiệm sống và sự uy tín.
Bỗng dưng sống lại giữa đám tang
Ngày 8/3/2015, anh Nguyễn Văn Đạo (53 tuổi, ngụ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã bình phục sau 10 ngày nhập viện do đột quỵ não và viêm phổi.
Tin tức từ Dân Việt cho biết, trước đó, sáng mùng 4 Tết (tức ngày 22/2/2015), ông Đạo bị đột quỵ tại nhà dì ruột ở TP.Tân An, tỉnh Long An. Ông được người thân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An trong tình trạng hôn mê, nhiều lần ngừng tim. Cuối ngày 22/2/2015, Bệnh viện Đa khoa Long An đồng ý để người nhà đưa ông Đạo về lo hậu sự.
|
Ông Nguyễn Văn Đạo (bên phải) tươi cười bên ân nhân cứu mạng Phạm Tấn Lộc (Ảnh Dân Việt). |
Các bác sĩ điều trị dặn, khi về nhà rút ống thở, ông Đạo sẽ chết nên gia đình và hàng xóm lập tức dựng rạp, thuê nhạc lễ, mua quan tài chờ sẵn. Sau đó, gia đình quyết định sẽ tẩm liệm vào 19h30 ngày 23/2/2015.
Trong thời gian chờ tẩm liệm, cả trăm người tụ tập tại nhà ông Đạo để phụ lo hậu sự. Hàng chục người thân quỳ xung quanh tụng kinh.
Tuy nhiên, trưa 23/2/2015, ông Phạm Tấn Lộc (ngụ TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) đến dự đám tang, khi lại nhìn mặt ông Đạo lần cuối đã thử sờ lên ngực và thấy ấm nên yêu cầu đưa ông Lộc đi cấp cứu. Nhiều người trong gia đình không đồng ý vì sợ phải tội với người chết.
Sau một hồi được ông Lộc thuyết phục, mọi người đã đồng ý cho ông Đạo đi cấp cứu tại bệnh viện quân y 120.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông Đạo bị hôn mê do đột quỵ não, viêm phổi và cơ thể suy kiệt nặng do 2 ngày không được ăn uống, nên truyền nước, bù dịch, sinh tố, thực hiện các bước điều trị. Ngày hôm sau thì ông Đạo tỉnh và bình phục dần. Đến ngày 5/3/2015, ông Đạo được cho xuất viện.
Thanh niên “bật nắp quan tài sống dậy”
Theo TTXVN cho biết, ngày 29/3/2013, khi anh Trần Hoàng Nam đang sơn cửa cho một ngôi nhà ở tầng 3 trên đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM thì bị rơi từ tầng 3 xuống mái tôn của kho vật liệu xây dựng và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nhân dân Gia định.
|
Anh Trần Hoàng Nam (Ảnh TTXVN). |
Ngày 4/4/2013, khi nhận thấy khả năng sống của con quá thấp và được sự đồng ý của bác sĩ, gia đình đưa anh Nam về quê. Vào 23h, anh về nhà trong tình trạng ý thức được những gì diễn ra xung quanh nhưng sức khỏe tiếp tục xấu đi.
Đến 10h45 sáng 5/4/2013, anh Nam bỗng dưng ngồi dậy trong sự kinh ngạc của gia đình và người thân, rồi bước xuống giường, đi đốt nhang trên tất cả các bàn thờ trong nhà.
Sống khỏe sau khi... rút ống ô xi chờ chết
Sáng 17/2/2013, ông Nguyễn Văn Mừng (79 tuổi, số nhà 12/9 đường Tăng Bạt Hổ, Vạn Thạnh, Nha Trang, Khánh Hòa) sau khi đi ra biển hóng gió và tập dưỡng sinh, ông bỗng nhiên thấy mệt và khát nước nên đã uống một lon nước tăng lực. Sau khi uống, ông Mừng cảm thấy buồn nôn và loạng choạng rồi ngất xỉu tại giường. Ngay lập tức, gia đình đã đưa ông đến bệnh viện. Các bác sỹ thông báo ông không thể qua khỏi và khuyên gia đình nên đưa về lo hậu sự.
|
Ông Nguyễn Văn Mừng khỏe mạnh sau khi rút ống thở. |
Chiều 19/2/2013, khi con cháu đã hộc tốc tập trung về đông đủ, gia đình ông Mừng bàn thử rút ống thở ôxi ra xem ông thế nào. Thật lạ, khi vừa rút ống ra thì ông Mừng đưa tay vẫy người nhà lại. Tưởng ông Mừng hồi tỉnh trong giây lát rồi ra đi vĩnh viễn như nhiều trường hợp vẫn thường xảy ra như vậy nên ai cũng hốt hoảng. Tuy nhiên, ông Mừng bước ra sân đi lại bình thường và nói lớn rằng mình không sao, thậm chí khỏe mạnh, không nôn nao như trước.
Ba lần chết đi sống lại
Vào năm 2006, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, cụ bà Lê Thị Chênh (xã Quảng Vọng, Quảng Xương, Thanh Hóa) đã bất động, tim ngừng đập. Trong lúc con cháu trong nhà đi lo hậu sự thì bà Chênh bỗng dưng ngồi dậy, ngơ ngác nhìn con cháu đang phủ phục dưới chân mình, khóc lóc thảm thiết.
|
Hiện tượng bí ẩn cụ bà Lê Thị Chênh chết đi sống lại tới 3 lần. (Ảnh Infonet). |
Lần thứ 2, khi cụ Chênh bước sang tuổi 97, lúc này, sau vài ba tiếng gọi không thấy cụ trả lời, mọi người xem thì cụ đã tắt thở, chân tay lạnh ngắt, hai mắt nhắm nghiền và tim “ngừng đập”.
Mọi người trong họ lại kéo đến để cùng gia đình bàn soạn cho việc tang lễ. Mọi việc đã chuẩn bị chu đáo, chỉ chờ tới giờ nhập quan thì không thấy bà lão đâu cả. Hóa ra bà ở dưới gầm giường và vẫn còn sống.
Lần thứ 3 cũng giống 2 lần trước, vào ngày 1/7/2012, cụ Chênh (99 tuổi) qua đời, các con đã chuẩn bị tâm lý thì cụ bà lại...đột nhiên sống lại.
Cụ bà chết đuối bỗng dưng sống lại
Năm 2010, TP.HCM xôn xao trước chuyện cụ bà Nguyễn Thị Dí, 70 tuổi (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chết đuối bỗng dưng sống lại.
Ngày 7/10/2010, sau hơn 7h bị rơi và trôi nổi theo dòng nước, thi thể bà mới được người dân phát hiện và vớt lên. Thân xác cụ bà lúc này đã cứng đờ, mũi không còn hơi thở. Biết đã “vô phương cứu chữa”, hàng xóm xung quanh liền đắp chiếu, thắp hương, rồi báo tin dữ cho người thân của cụ bà xấu số.
|
Cụ bà Nguyễn Thị Dí với hiện tượng chết đi sống lại ly kỳ. (Ảnh Zing) |
Tuy nhiên khi pháp y đang tiến hành khám nghiệm thì … “tử thi” đột nhiên sống dậy. Đúng lúc đó, tay bà Dí vung lên, mọi người hoảng loạn bỏ chạy thục mạng, kể cả con cháu bà Dí cũng không dám lại gần.
Cô gái sống lại sau khi chết 3 ngày
Cô gái có tên Trần Thị Bé Năm, con của một gia đình nông dân ở xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bé Năm từng thi đậu vào Trường Trung cấp Kinh tế Âu Việt (khoa Du lịch) năm 2007. Đến năm 2008, các bác sĩ phát hiện cô mắc căn bệnh ung thư xương hiểm nghèo, nhưng Bé Năm vẫn tiếp tục theo học và tốt nghiệp năm 2009.
|
Chị Trần Thị Bé Năm (bên trái). |
Vào giữa năm 2014, bệnh của cô càng trầm trọng, gia đình phải đưa đi điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh quá nặng, ngày 7/9 gia đình đã đón Bé Năm về nhà bằng băng ca, cơ thể lạnh toát, nằm mê man không biết gì. Tất cả mọi thứ chuẩn bị "hậu sự" từ chiếu, quần áo, nơi chôn cất… đều được người nhà chuẩn bị xong. Họ hàng, chòm xóm cũng đến đông đủ. Tuy nhiên đến sáng ngày thứ 3 thì Bé Năm tỉnh dậy và đi đứng được trong sự ngỡ ngàng của người thân và hàng xóm.
Cụ bà tắt thở rồi sống lại, 'biến' thành… người khác
Chuyện xảy ra cách đây hơn 40 năm với cụ bà Trần Thị Sương (91 tuổi, ấp Trường Lưu, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, Tây Ninh).
|
Cụ bà Trần Thị Sương. |
Hôm đó, khi đi làm đồng về, thấy người hơi mệt, cụ lên phòng riêng nằm nghỉ. Cụ kể, thậm chí, còn ngửi thấy mùi hôi thối khó chịu mà cả đời chưa bao giờ trải qua cảm giác đó. Đến giờ cơm, con cụ vào gọi thì thấy cụ nằm bất động, toàn thân lạnh toát, mềm oặt. Các con cụ gào khóc, căn nhà tràn ngập không khí tang tóc.
Thế nhưng, rạng sáng hôm sau, khi mọi người chuẩn bị đưa cụ vào quan tài, người nhà bỗng thấy mắt cụ he hé mở, tiếng thở nhẹ nhàng được phát ra... Cụ Sương ngồi bật dậy, mặt đầm đìa mồ hôi, ngơ ngác nhìn con cháu.
Mọi ngạc nhiên vẫn chưa dừng lại ở đây, bởi sau khi sống lại, tâm tính của cụ Sương thay đổi hoàn toàn. Căn bệnh viêm xoang phế quản đeo đẳng của cụ mấy chục năm qua bỗng nhiên biến mất, trí nhớ tốt hơn hẳn. Lạ nữa, ngày trước cụ viết chữ xấu không đọc nổi, nhưng sau lần "chết hụt" đó, nét chữ viết cụ rất đẹp. Nếp sống thường nhật của cụ được thay đổi hoàn toàn.