Chết lạnh đến bụng
Người dân khắp xã Hà Đông (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) ai cũng biết đến câu chuyện cụ ông Thanh Hóa chết đi sống lại lần đầu tiên xảy ra tại địa phương cách đây gần 10 năm.
Nhắc lại chuyện, cụ ông Lưu Xuân Màu (83 tuổi) cười khà khà: “Cái trận ấy tai qua nạn khỏi, tôi cũng thành người nổi tiếng luôn. Tôi đi tới đâu người ta cũng xúm lại hỏi thăm, bàn tán, nhìn mình với con mắt giống như người “trên trời rơi xuống””.
Cụ Màu nhớ lại: Trước đây, ông bị xuất huyết dạ dày. Ban đầu biểu hiện mới chỉ dừng lại ở những cơn đau âm ỉ, ăn uống thất thường. Cụ cứ nghĩ đó là bệnh đau dạ dày thông thường nên đánh liều không thuốc thang hay kiêng cữ gì. Lâu dần bệnh càng nặng đến mức nôn ra máu, cơ thể suy kiệt, con cháu mới hốt hoảng đưa đi bệnh viện.
Suốt thời gian dài nằm bệnh viện, bệnh tình cụ vẫn không thuyên giảm, tình trạng chảy máu dạ dày ngày càng nặng, phải truyền máu liên tục.
|
Cụ ông Lưu Xuân Màu đã từng chết đi sống lại |
Con cháu trong gia đình thay nhau túc trực, ăn không ngon ngủ không yên khi các bác sĩ liên tục thông báo dạ dày của cụ đã bị xuất huyết quá nhanh, cơ thể bị tụt huyết áp nặng, lượng máu mất quá lớn, không thể bù lại kịp để duy trì sự sống.
“Bố tôi phải truyền máu liên tục trong thời gian dài đến mức bệnh viện hết máu, phải gọi người nhà vào làm xét nghiệm, nếu trùng nhóm máu sẽ lấy truyền cho ông, song không có ai đủ điều kiện. Hết máu, sức khỏe ông lại càng yếu, chỉ còn thoi thóp thở, các bác sĩ thông báo không thể cứu chữa được nữa, trả bệnh nhân về cho gia đình chuẩn bị lo hậu sự”, ông Lưu Xuân Bảo (50 tuổi, con trai thứ hai của cụ Màu) kể.
Người nhà đau buồn thuê xe đưa cụ về ngay trong buổi chiều. Lúc này người thân ở nhà cùng bà con lối xóm nhận được tin xấu, đã mỗi người một chân một tay giúp chuẩn bị tang lễ. Rạp dựng từ nhà trên xuống nhà dưới, quan tài mang về chuẩn bị trước đặt ngay giữa gian chính, tiếng khóc lóc thê lương vang vọng. Chiều muộn, vài người đàn ông khỏe mạnh đã được cắt cử đến nghĩa địa đào huyệt trước.
Đúng 10h tối, xe cấp cứu trả bệnh nhân về đến nhà. Cụ Màu được người thân thay quần áo, lau chùi sạch sẽ đặt nằm trên giường. “Lúc này bố tôi vẫn bị xuất huyết nhiều, hơi thở yếu dần, phần dưới cơ thể đã chết lạnh, cứng đến bụng. Lúc ấy có cụ cao niên trong họ nói với anh em chúng tôi câu “hấp hối rồi, khó sống lắm, nhưng nếu còn chống chọi được đến 3h sáng hoặc 12h trưa ngày mai thì chắc chắn ông sẽ còn sống rất lâu””, người con trai nhớ lại.
Sống lại ngoạn mục
Người nhà cụ Màu kể lại, không có đêm nào trong đời họ cảm thấy dài hơn cái đêm ngồi chờ bên giường bệnh người hấp hối. Thời gian cứ chầm chậm trôi. Mọi người cứ chứng kiến cơ thể cụ Màu lạnh từ từ, nhưng đến quá phần bụng một chút thì cái lạnh dừng lại. Đưa sợi lông gà lên mũi ông cụ, đôi lúc vẫn thấy sợi lông gà lay lay, nghĩa là đôi lúc vẫn còn thở rất nhẹ. Nửa đêm, 3h sáng, rồi rạng sáng, đôi lúc vẫn thấy cụ còn thoi thóp thở.
10h sáng hôm sau, con cháu từ khắp nơi biết tin đang làm đám tang cho cụ, đã kéo về rất đông. Mọi người đứng chật kín căn nhà, người đứng, người quỳ bên giường bệnh, khóc lóc thảm thiết. Cả nhà dự kiến đến đầu giờ chiều sẽ phát tang, sau đó làm lễ khâm liệm đưa thi thể cụ vào quan tài.
Bất ngờ chuyện lạ xảy ra. Đồng hồ vừa điểm qua 12h trưa ít phút, nửa người cụ trước đó đang lạnh cứng, bỗng cái lạnh biến đi đâu mất. Chân tay ông cụ động đậy, hai mắt mở hấp háy, hơi thở mạnh hơn dù vẫn còn yếu ớt. Những người chứng kiến thất thần hoảng sợ, không dám tin vào mắt mình, có người yếu bóng vía còn chạy dạt đi chỗ khác vì cho rằng có “ma nhập vào xác”.
Một số người bạo gan vẫn nán lại, cho rằng có lẽ cụ còn “vương vấn cõi trần” nên mở mắt trăn trối điều gì với người thân lần cuối. Một người già kể lại: “Xưa nay đôi khi vẫn gặp tình trạng này, dân gian gọi là “chết ngáp””.
Riêng người con trai thứ hai của cụ thì bạo gan hơn cả. Ông Bảo kể lại: “Thấy bố động đậy, tôi rón rén bước tới sờ khắp cơ thể thì thấy người cụ ấm trở lại, tim vẫn đập dù còn yếu. Tôi hỏi nhỏ bố có nhận ra ai không, cụ gật đầu. Tôi mừng quá hét toáng lên thông báo cho mọi người biết, ai nấy ôm nhau mừng rỡ, không ai ngờ ông sống lại kỳ diệu thế”.
Sau khi tỉnh lại, cụ Màu liền đòi ăn uống. Người thân tất tả chạy đi nấu cháo, chắt lấy nước cho cụ uống. Bạt dựng rạp sau đó được dỡ đi, chiếc quan tài cũng được một số người len lén khiêng đi. Chỉ sau một ngày, sức khỏe cụ dần hồi phục, có thể nói chuyện tuy chỉ vài câu.
“Lúc tỉnh lại, mọi người kể lại chuyện chuẩn bị đưa mình vào áo quan, tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Từ lúc hôn mê đến khi tỉnh dậy, tôi không biết trời đất gì, mở mắt thấy mọi người quỳ lạy khóc lóc thì quá bất ngờ”, cụ Màu chia sẻ.
Khỏi bệnh thần kỳ
Ngay ngày hôm sau, gia đình đưa cụ xuống bệnh viện để bác sĩ kiểm tra lại bệnh tình. Thấy bệnh nhân hấp hối hôm trước được đưa trở lại bệnh viện, các y bác sĩ trố mắt ngạc nhiên, có người chưa hiểu chuyện, còn tưởng gia đình đưa xác bệnh nhân quay lại… bắt đền.
Kiểm tra tình trạng sức khỏe của ông cụ, thêm lần nữa mọi người ngạc nhiên khi thấy dạ dày của cụ không còn bị xuất huyết như trước. Các bác sĩ cẩn thận bắt cụ nằm viện thêm vài ngày theo dõi, không thấy biến chứng gì khác mới cho cụ về nhà. Được con cái chăm sóc chu đáo, sức khỏe cụ hồi phục rất nhanh, đi lại được một thời gian sau.
Ông Bảo nhớ lại: “Các bác sĩ quá bất ngờ, cứ hỏi đi hỏi lại gia đình những triệu chứng lúc bố tôi tỉnh lại. Gia đình cũng gặng hỏi tại sao lại có biến chuyển kỳ lại vậy, nhưng các bác sĩ cũng lắc đầu bó tay, bảo tạm thời chưa lý giải được”.
Người trong nhà đã bất ngờ, người dân địa phương còn bất ngờ hơn bội phần, bàn tán xôn xao. “Sau khi bố tôi khỏe mạnh lại, chúng tôi đi đâu người ta cũng kéo lại hỏi chuyện cho bằng được. Cả làng kéo nhau tới thăm hỏi, không chỉ quan tâm đến sức khỏe của ông, mà quan trọng là để được tận mắt nhìn thấy bố tôi ngồi dậy nói chuyện, tươi cười bình thường”, ông Bảo cười nói.
Thời gian sau đó, người “chết đi sống lại” ăn uống khỏe mạnh lại bình thường như chưa từng mắc bệnh đến thập tử nhất sinh. Tất cả công việc nặng nhẹ trong gia đình hay phụ giúp con cháu, cụ đều làm được. Vụ mùa, cụ quần quật cày bừa, nhổ mạ cấy xong ruộng nhà mình, còn chạy qua giúp các con. Những ruộng đất màu trồng lạc ngô còn những cục đất to, cụ chăm chỉ dùng vồ đập nhỏ, cày xới, bổ luống trồng cẩn thận.
Cụ đủ sức gánh gần 30 gánh nước tưới hoa màu, bất kể trời hè nóng như thiêu như đốt. Mùa gặt, con cái ở ngoài đồng hết, cụ chạy hết nhà người này đến người kia xúc thóc đổ ra sân phơi, rồi trở đi trở lại cho nhanh khô...
Nay cụ Màu đã ở cái tuổi 83, mái tóc đã bạc gần hết đầu, khuôn mặt đầy nếp nhăn, nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh, lanh lợi. Cụ cười xòa bảo, từng này tuổi nhưng mình vẫn còn khỏe lắm, ăn uống đều đặn, vẫn làm được những công việc đồng áng, mò cua bắt ốc kiếm tiền.
“Mình còn khỏe, còn sức lao động thì không sống nhờ vào bất kỳ đứa nào. Con cái còn nhiều thứ phải lo, hai ông bà già này tự lo được. Thế này thoải mái hơn, thích ăn gì ăn, thích làm gì thì làm, không phải phiền con cháu bận tâm”, cụ chia sẻ.
Hiện cụ Màu đang sống cùng người vợ cũng đã ở cái tuổi “cổ lai hy” trong căn nhà cấp bốn, nằm bên ngôi nhà lớn của người con trai thứ ba. Cụ bà sức khỏe yếu hơn, thường xuyên đau ốm không làm được việc gì, chỉ quanh quẩn trong nhà. Một tay cụ ông tự lo mọi việc, cơm nước chăm sóc cho vợ.
Cụ cười đùa: “Sống đến ngần này tuổi, con cháu đều khôn lớn khá giả cả nên không còn gì để bận tâm vương vấn nữa. Giờ mà đổ bệnh nặng thì chắc chỉ có “đi” luôn thôi, chứ trời đâu thương mà cứu sống mình lần nữa”./.