|
Ảnh minh họa. |
Lợn (heo) còn mang tác dụng y dược đa dạng. Lợn được ví như "cây thuốc biết đi" vì tất cả các bộ phận đều có thể đem chế được thành thuốc, dùng để tăng cường sinh lực, phòng chống, chữa trị hiệu quả nhiều bệnh ở người.
Thịt lợn (trư nục): Chế biến ra nhiều món ăn thông dụng, khá ngon, lại có tác dụng như dược thiện được nhiều người ưa chuộng. Thịt lợn vị hơi ngọt, mặn, tính bình, có tác dụng tư âm, nhuận táo hoạt huyết, bổ thận, tiêu thũng... Chữa lao phổi: Dùng hạt sen 30g, bách hợp 30g, thịt lợn nạc 250g hầm chín nhừ, thêm gia vị ăn ngày 2 lần, liên tục trong 30 ngày.
Gan lợn (trư can): Có tác dụng dưỡng huyết, tiêu độc, bổ gan, sáng mắt, ăn gan heo chữa chứng huyết hư, vàng da, quáng gà, phù thũng, cước khí, bạch đới và đại tiện lỏng kéo dài. Bài thuốc thường dùng gồm: Chữa viêm gan, xơ gan dùng gan lợn 50g, cây chó đẻ 50g, hoàng kỳ 30g nấu nước uống mỗi ngày vài lần. Chữa viêm giác mạc, đau mắt: Dùng gan lợn 30 - 50g nấu canh với lá dâu ăn.
Mật lợn (trư đởm): Vị đắng, tính lạnh, có tác dụng, tiêu sưng, sát khuẩn, thông đại tiện, kích thích tiêu hoá... chữa trị ho gà, hen suyễn, suy gan, vàng da, ứ mật, chậm tiêu hoá và táo bón. Hơn nữa, nước mật lợn để nguyên hoặc cô đặc phối hợp với hoàng bá, dùng bôi chữa bỏng; mật lợn với nghệ vàng hoặc gừng tươi, tỏi, lá trầu không, lá ớt - trị rắn cắn.
Bầu dục lợn (trư thận): Có tác dụng bổ thận, ích khí, giảm đau, lợi bàng quang chữa bạch biến, ù tai, đau lưng, phù thũng, di tinh và ra mồ hôi trộm. Chữa chứng thận hư đau lưng: Bầu dục lợn 1 cái thái nhỏ, ướp vào muối, bỏ nước tanh rồi trộn với 12g đỗ trọng nghiền bột, tiềm ăn.
Óc Lợn (trư no): Vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng dưỡng tâm, bổ huyết, ích khí, an thần, suy nhược thần kinh hoặc trẻ em kinh giản, thương phong.
Tim lợn: Chữa đại tiện ra huyết do thấp nhiệt thì dùng tim lợn một cái, địa du 30g, hoa hoè 20g, thi vụn 3 vị... bỏ vỏ nồi nấu khi tim lợn chín thơm gia vị, ăn cả nước lẫn cái, mỗi ngày một thang, chia hai lần, ăn liên tục 5 ngày liền. Bài thuốc chữa hồi hộp mất ngủ: Dùng tim lợn đực (1 quả) tiềm với liên nhục, long nhãn, táo đỏ, cho thêm hành tiêu gia vị vừa đủ.
Phổi lợn (trư phế): Vị nhạt, tính lạnh, có tác dụng mát phổi, giảm ho, trừ đờm; trị hen phế quản, ho lâu ngày, ho ra máu. Lấy phổi lợn (10 phần) rửa sạch, thái nhỏ, bóp hết bọt nước; nếu đem nấu với rau diếp cá (3 phần), ăn sẽ chữa được viêm phế quản mạn tính; còn nếu đem nấu với ý dĩ (5 phần), ăn sẽ trị ho, khó thở, đau vùng ngực.
Dạ dày lợn (trư đỗ): Chữa đau dạ dày do lạnh thì dùng dạ dày lợn đực một cái, nhân sâm 15g, can khương 6g, hạt tiêu 6g, hành sống 7 củ, gạo nếp 50g, muối vừa đủ.
Ruột già lợn (trư đại tràng): Có tác dụng bổ hạ, tiêu viêm, trị đại tiện ra máu, viêm đại tràng mạn tính.
Bong bóng lợn (trư bàng quang): Có tác dụng tăng sữa, tiểu lợi, chữa đái dầm, đái buốt, đái rắt, di mộng tinh, bìu đái sưng đau, ngọc hành lở loét. Chữa phụ nữ sau sinh ít sữa: Bong bóng lợn 1 cái rửa sạch cho đinh lăng và gạo nếp gia vị vừa đủ vào nấu nhừ ăn tuần vài lần với lá thành cháo, ăn làm thuốc. Chữa trẻ em đái dầm dùng: Bong bóng lợn (1 cái) nấu cháo với gạo nếp ăn hằng ngày.
Đuôi lợn (trư vĩ): Có tác dụng lợi gân xương, chữa đau lưng thì dùng đỗ trọng 30g, đuôi lợn một cái rửa sạch rồi nấu với hai vị thuốc kia.
Chân lợn (trư đề): Tác dụng bồi bổ, dưỡng thai, tăng sữa, làm đẹp da. Chữa chứng ít sữa dùng: Móng lợn hầm đu đủ.