|
Cây hoàn ngọc trắng, tác dụng kích thích tiêu hóa. |
BSCK II Trần Văn Năm, quyền Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết, trong kho tàng thuốc y học cổ truyền có nhiều loại rau ăn hằng ngày vừa có vai trò của thực phẩm, vừa có tác dụng trị bệnh, đặc biệt giúp "thanh lọc cơ thể", tránh lưu giữ lâu ngày các chất cần thải ra khỏi cơ thể. Một số loại rau vừa là thuốc quý, vừa là nước uống giúp thanh lọc, giải độc cơ thể có thể ăn sống hoặc xay làm sinh tố, nước ép để uống.
Nước xay rau má có tác dụng lợi tiểu, tăng chức năng lợi mật, đặc biệt khi dị ứng với hải sản, thịt bò. Nước ép cần tây có tác dụng chống viêm, hạ huyết áp, giảm đau trong bệnh khớp (cả bệnh gút), rối loạn tiêu hóa. Cây đinh lăng lá nhỏ, tác dụng giảm đau trong bệnh lý khớp, giải dị ứng, chống ho, thanh lọc cơ thể, liều 30 - 50 lá hoặc rễ nấu nước uống hoặc phối hợp với một số cây thuốc khác để tăng hiệu lực.
Một số loại rau hỗ trợ gan như nghệ vàng, có tác dụng bảo vệ tế bào gan, lợi mật dùng tốt trong trường hợp vàng da, sỏi mật, viêm gan, viêm dạ dày. Liều dùng 2 - 4g dạng bột hoặc viên. Nghệ đen dùng 5 - 9g dạng bột hoặc viên, tác dụng chống co thắt cơ trơn (giảm đau dạ dày, ruột, tử cung), chống viêm, kích thích tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn. Cây chó đẻ răng cưa có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, lợi tiểu, hạ nhiệt, điều kinh. Dùng tốt trong trường hợp viêm gan do virus hay rượu, bia, mụn nhọt.
Cây nhân trần, tác dụng lợi mật, bảo vệ gan, hạ áp, lợi tiểu, sử dụng tốt cho người bị viêm gan, gan nhiễm mỡ, nước tiểu đậm màu, liều dùng 20 - 30g/ngày nấu nước uống. Cây hoàn ngọc đỏ có tác dụng ổn định hoạt động đường tiêu hóa, đau bụng do viêm loét dạ dày, tiêu sống phân, tiêu ra máu, liều 20 - 40g nấu nước uống hoặc ăn sống như rau. Cây hoàn ngọc trắng, tác dụng kích thích tiêu hóa, chống chứng đầy bụng, chậm tiêu hóa, tiêu bón, cảm giác nóng, ợ nóng, lá dùng nấu nước uống hoặc ăn sống mỗi ngày 10 - 20 lá.