Trước nguy cơ dịch sởi hành hoành trên cả nước và tình hình phức tạp của dịch cúm, sáng 23/2 Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành về “Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống sởi”, tớ dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Theo báo cáo của liên bộ Y tế và NNPTNT, hiện nay diễn biến dịch cúm gia cầm trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều chủng virus cúm A khác nhau được ghi nhận như: H5N1, H7N9, H5N2, H5N8, H10N8… Trong đó diễn biến phức tạp nhất là dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc với đợt bùng phát dịch thứ hai từ đầu năm 2014 đến 20/2/2014, có 208 trường hợp mắc mới, 20 ca tử vong, số ca mắc bệnh hiện có chiều hướng tăng nhanh.
Trước những diễn biến phức tạp của loại cúm này, tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm cúm A/H7N9 từ Trung Quốc.
Theo TS.Scott Newman – Điều phối viên kỹ thuật cao cấp – Trung tâm khẩn cấp Kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới (ECTAD), Cơ quan đại diện FAO tại Việt Nam, H7N9 gây bệnh trên người gây thiệt hại hơn 26 tỷ USD ở Trung quốc do ảnh hưởng đến tiêu thụ, buôn bán và sản xuất gia cầm.
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng H7N9 cho gia cầm. Hầu hết những ca nhiễm trên người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm nhiễm bệnh hoặc đã đến chợ gia cầm sống nơi mà có cả gia cầm và môi trường nhiễm.
TS Newman cho rằng: Việc đóng cửa các chợ ở tỉnh Quảng Đông và các tỉnh khác của Trung Quốc dẫn đến tình trạng gia cầm đến tuổi xuất bán bị thừa và cần đẩy đi tiêu thụ ở nơi khác. Hơn nữa, số gà thừa chắc chắn sẽ được bán với giá rất rẻ. Vì vậy, cần đảm bảo việc ngăn ngừa tất cả số gia cầm vận chuyển xuyên biên giới từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đối với cúm A(H5N1), trên thế giới, từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 6 trường hợp mắc, 6 trường hợp tử vong trên người, trong đó tại Campuchia (3 ca mắc, 3 ca tử vong), Việt Nam (2 ca mắc, 2 ca tử vong), Trung Quốc (1 ca mắc, 1 ca tử vong). Các trường hợp mắc này đều có tiền sử tiếp xúc và chế biến gia cầm ốm, chết. Như vậy, tích từ năm 2003 đến nay, ghi nhận 655 trường hợp mắc cúm A(H5N1), có 391 trường hợp tử vong. Dịch bệnh xảy ra ở 16 quốc gia, tập trung Indonesia, Ai Cập, Việt Nam.
|
Việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu là biện pháp hữu hiệu chống cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam. Ảnh: Lê Phương |
Tại Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2014, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh nào, nước ta tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm virus cúm A(H5N1).
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ ngày 07/02/2014 đến 20/2/2014, cả nước đã có có 64 ổ dịch tại 16 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long. Hiện, dịch bệnh chưa có xu hướng dừng lại, trong đó có nhiều ổ dịch nhỏ nên nguy cơ lây truyền sang người là rất lớn. Hiện đang là mùa xuân nên thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của virus cúm.
Cũng tại Hội nghị này, Bộ Y tế nhận định, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm.Tuy nhiên, tình hình số mắc cúm A/H7N9 gia tăng đột biến tại Trung Quốc và đã lan rộng đến các tỉnh biên giới giáp với nước ta, trong bối cảnh người dân giao lưu thương mại, du lịch rất lớn cùng với việc gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp khó kiểm soát nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam rất cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định tại Hội nghị, việc khống chế dịch cúm trên gia cầm có ý nghĩa quyết định đối với phòng chống dịch cúm trên người. Vì thế, cần phải phòng chống hiệu quả nhập lậu gia cầm tại các tỉnh biên giới; đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh từ các nước đang lưu hành virus cúm A/H7N9 tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng hàng không quốc tế. Tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch, không hoang mang làm ảnh hưởng để việc cung ứng và tiêu thị gia cầm, các sản phẩm gia cầm…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương không được chủ quan. Các đơn vị cần giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên và các chủng virus cúm mới, sẵn sàng xử lý các tình huống. Ông cho rằng công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 cần được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiến hành kịp thời, đồng bộ.
Ngoài ra,Phó thủ tướng nhận định, dịch rất dễ xảy ra ở những chỗ mà người dân do bận bịu làm ăn, không có điều kiện thời gian biết thông tin nhiều, vì vậy, cần phải tuyên truyền sao cho dễ nhớ, dễ hiểu.
Cuối cùng Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu để các cơ quan báo chí tuyên truyền đúng, chính xác ngay từ đầu về tình hình dịch bệnh, từ đó giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả hơn.