Trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2013 ngành y tế Việt Nam đã chứng kiến không ít những vụ “bê bối” gây chấn động dư luận. Tuy nhiên, đó chỉ là những “con sâu, làm rầu nồi canh” chứ không phải là tất cả. Vẫn còn rất nhiều bác sĩ tận tuỵ với nghề, quyết bám dân, bám bản để làm sao mang lại sức khoẻ tốt nhất cho bà con.
Đi trên đỉnh núi trong đêm tối
Đó chính là hành trình đi khám chữa và phòng dịch bệnh của các bác sĩ thôn bản thuộc xã Bản Mù, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Theo lời kể của anh Sùng A Thắng (Điều dưỡng Trung học, Trạm Y tế xã Bản Mù) thì, các cán bộ y tế tại các xã vùng cao thuộc huyện Trạm Tấu đều giống nhau cả. Đều phải băng rừng, vượt núi, đi trong đêm tối để đến với bà con.
“Tôi còn nhớ, một lần có người dân ở thôn Hắng Dóng, Păng De (thuộc xã Bản Mù) gọi điện về Trung tâm Y tế xã, nhờ cán bộ lên cấp cứu con họ. Lúc đó là hơn 8 giờ tối. Do đường xá xa xôi (cách trạm y tế khoảng 15km đường rừng– p/v) chúng tôi cũng rất suy nghĩ về vấn đề có nên đến trực tiếp hay không, hay là hướng dẫn để họ tự sơ cứu rồi sáng mai chúng tôi đến. Nhưng cuối cùng, tôi đã quyết định đi ngay trong đêm. Tuy nhiên, muốn đến nhanh thì chỉ có cách đi đường tắt. Vậy là tôi đã vượt rừng, đi xe máy trên đỉnh núi theo đường mòn, sau hơn 2 tiếng cả đi cả dắt xe tôi cũng đã đến tới nơi”.
|
Anh Sùng A Thắng (người được đánh dấu trong ảnh) không ít lần phải băng rừng trong đêm để đến với dân bản |
Khi hỏi về động lực nào khiến anh vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để đến với người dân như vậy thì anh Thắng chia sẻ: “Thứ nhất, tôi là một nhân viên y tế, ăn lương nhà nước nên việc cứu chữa bệnh nhân là trách nhiệm và bổn phận của chúng tôi. Hơn nữa, ở đây đều là đồng bào dân tộc, mình đã mất rất nhiều công sức để tuyên truyền. Nếu những lúc này mình không đến thì họ sẽ không bao giờ tin cán bộ nữa”.
Ngoài câu chuyện của anh Sùng A Thắng, tiếp và tâm sự với chúng tôi, anh Lò Quang Ánh, Phó trạm trưởng trạm y tế xã Bản Mù cho biết: “Có lẽ nói ra các nhà báo không tin những đó là sự thật. Đó chính là những khó khăn trong công tác tiêm chủng để phòng ngừa dịch bệnh”.
Đó là câu chuyện, đồng bào người Mông mang con đến bắt đền cán bộ y tế xã. “Hôm đó, là đợt tiêm chủng mở rộng. Nhưng sau khi tiêm xong, mang con về nhà thì con bắt đầu bị sốt, quấy khóc…khiến nhiều phụ huynh không đi lên nương được và họ lại bồng bế nhau ra bắt đền người tiêm khiến con họ sốt. Khi giải thích đó là phản ứng bình thường sau tiêm, thì họ nhất quyết không nghe và chửi nhân viên y tế rất thậm tệ. Cứ như vậy, lần sau tuyên truyền họ đi tiêm là rất khó, kể cả khi ép họ phải đi tiêm, thì đến giữa đường họ lại lẩn vào bụi cây và trốn mất”.
Bác sĩ đi bằng “bốn chân” để diệt sởi
Đó là những khó khăn, vất và mà chúng tôi cùng đoàn công tác ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái và các bác sĩ huyện Văn Chấn phải trải qua trong hành trình dẹp dịch sởi ngay sau Tết Nguyên Đán.
|
Đây là những con đường mà các cán bộ y tế Yên Bái phải trải qua |
Theo đó, trên những cung đường mang vắc xin vào bản sẽ không bao giờ được tính bằng cây số mà chỉ được phép tính bằng thời gian. Đặc biệt hơn con đường đi của các bác sĩ sẽ khác so với con đường đi của những thùng vắc xin.
Có lẽ, ai phải chứng kiến cảnh vắc xin được đồng bào và các nhân viên y tế bảo vệ như bảo vệ tính mạng của mình thì mới thấy được sự đáng quý như thế nào. Họ sẵn sàng lội qua những con suối trong cái rét dưới 10 độ, hay sẵn sàng đi bằng “bốn chân” để vượt qua những con dốc dựng ngược toàn đất đỏ, để những những chiếc cáp treo dùng chở vắc xin qua thung lũng.
|
Xe và vắc xin được tời qua những chiếc cáp ... |
|
...còn cán bộ y tế phải đi bằng "bốn chân" qua những con đường như thế này |
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những về mặt địa hình, địa lý và họ đã vượt qua. Cái khó khăn lớn nhất là lấy niềm tin. Chắc hẳn ít có địa phương nào trên cả nước, giám đốc trung tâm y tế dự phòng tỉnh, quần xắn móng lợn, đi bộ nửa ngày đường, băng rừng trong đêm và đến tận nương rẫy vận động bà con về tiêm phòng.
“Do địa phương có tính đặc thù, nên các cán bộ phải làm như vậy thôi. Chỉ có cách đến với bản buổi tối thì mới gặp được gia đình và trẻ nhỏ. Bởi ngày họ đi nương, đi rẫy, địu cả con đi cùng, có mang vắc xin đến cũng không thể gặp và tiêm được”, bà Lê Thị Hồng Vân, GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái chia sẻ với phóng viên.
Có lẽ, những sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ và nhân viên y tế tại Yên Bái nói riêng và ở những vùng cao trong cả nước nói chung, rất đáng để người dân cả nước trân trọng. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng ta hãy gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến với họ và mong sao họ luôn giữ được lửa nghề.