Các chủng vi rút cúm đang biến đổi để thích ứng trên người

Google News

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các chủng vi rút đang biến đổi để thích nghi trên người.

Tại Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A/H7N9 trên cả người và gia cầm. Một số chủng vi rút khác như H10N8, H6N9 hay H9N2 trước đây chỉ phát hiện trên gia cầm thì nay cũng đã xuất hiện trên người. 
Bên lề Hội nghị trực tuyến về việc phòng chống dịch cúm gia cầm, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có buổi trao đổi nhanh với báo chí về các vấn đề liên quan đến các chủng vi rút cúm đang lưu hành.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương
Hiện nay tại Việt Nam đang bùng phát dịch cúm A/H5N1 và có nguy cơ xâm nhập cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. Những điểm giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương có phát hiện ra điều gì bất thường hay không?
Ông Nguyễn Trần Hiển: Năm 2013 và đầu năm 2014, chương trình giám sát cúm ở Việt Nam đã đưa ra những thông tin về các loại vi rút cúm đang lưu hành trong cộng đồng; trong đó, ba chủng vi rút cúm mùa thường xuyên thay nhau lưu hành ở Việt Nam là cúm H1N1, H3N2 và cúm B. Năm 2013, cúm H1N1 có tỷ lệ lưu hành cao nhất. Về cơ bản các chủng vi rút cúm này chưa có biến đổi gì đặc biệt làm tăng khả năng lưu hành, lây bệnh và kháng thuốc. Mặc dù chúng ta phát hiện một số biến đổi nhỏ nhưng những biến đổi đó chưa đủ gây lên những thay đổi về biểu hiện lâm sàng cũng như bùng phát dịch lớn tại Việt Nam.
Thông qua việc giám sát hơn 5.000 trường hợp viêm phổi nặng hoặc nhiễm đường hô hấp nặng tại Việt Nam, viện vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút cúm A/H7N9 ở người.
Tại Trung Quốc đang lưu hành nhiều chủng cúm như H5N1, H7N9, H10N8, H6N9 hay H9N2. Liệu đây có phải là sự biến đổi gen của chủng cúm trước đây hay không và những chủng mới này đã có sự thay đổi về độc lực chưa và có nguy cơ gì lây lan sang người không?
Gần đây Trung Quốc đã báo cáo rất nhiều trường hợp người mắc cúm A/H7N9. Từ đầu năm 2014 đến ngày 22-2-2014, tại đây đã ghi nhận 213 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 20 trường hợp tử vong, số mắc tăng cao đột biến và cao hơn cả số tích lũy cúm A/H7N9 của cả năm 2013, nâng tổng số trường hợp mắc cúm A/H7N9 lên 360 trường hợp mắc và 67 trường hợp tử vong.
Ngoài ra còn nhiều trường hợp mắc các chủng cúm H10N8, H9N2…Các vi rút này đã xuất hiện nhiều năm nay ở các nước trên thế giới như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc nhưng chủ yếu ở gia cầm. Từ năm 2013 tới nay mới phát hiện nhiều trường hợp trên người. Điều này chứng tỏ sự thích ứng của các loại vi rút này trên người.
Trong những nghiên cứu gần đây mà Tổ chức Y tế thế giới công bố, các đặc điểm di truyền học của các chủng vi rút cúm A/H7N9 trong đợt dịch số 2 (từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014 đến nay) và đợt 1 (từ tháng 2 đến tháng 5-2013) về cơ bản đặc tính kháng nguyên và độc lực không thay đổi. Đợt dịch thứ 2 biểu hiện lâm sàng có vẻ nhẹ hơn và ở lứa tuổi lớn hơn nhưng gần như không có biến đổi đáng kể cả về mặt kháng nguyên và di truyền học cũng như độc lực của vi rút cúm A/H7N9 ở Trung Quốc.
Theo nhận định của ông, với sự bùng phát vi rút cúm ở Trung Quốc, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam thì nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam như thế nào?
Tôi đánh giá là có nguy cơ lớn. Trong bối cảnh nhiều tỉnh ở Trung Quốc chịu thiệt hại bởi dịch và lan dần sang các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam thì bên cạnh việc vận chuyển, giết mổ và buôn bán gia cầm tại các tỉnh biên giới còn có nhiều trường hợp người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 trên người ở Trung Quốc trong giai đoạn bị bệnh có thể mang mầm bệnh sang Việt Nam.
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có bằng chứng bệnh lây truyền từ người sang người nhưng các tổ chức quốc tế cũng báo cáo có một chùm ca bệnh ở người có khả năng truyền từ người sang người nhưng mức độ rất thấp và hạn chế.
Do vậy nguy cơ không chỉ các vùng giáp biên giới với Việt Nam mà cả các thành phố lớn có các sân bay, cảng biển và cửa khẩu lớn đều có thể là nơi có nguy cơ lan truyền vi rút cúm A/H7N9.
Đáng chú ý là gia cầm nhiễm vi rút H7N9 tại Trung Quốc không có biểu hiện bị bệnh; đặc điểm của vi rút này là không có biểu hiện lâm sàng ở gia cầm. Chính vì nó lặng lẽ như vậy nên chúng ta không dự báo được vi rút cúm này sẽ biến đổi như thế nào trong thời gian tới. Do đó, cần phải luôn luôn cảnh giác giám sát, dự phòng và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Còn với H5N1 thì thế nào khi cả nước đã có 64 ổ dịch tại 17 tỉnh thành thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ ra sao và có nguy cơ lây sang người hay không?
Chúng ta đã phát hiện vi rút này lưu hành trong nước hơn 10 năm nay và qua các nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉ lệ đàn vịt lành mang vi rút gia cầm là 6% và với việc giao lưu vận chuyển như hiện nay của đàn thủy cầm thì có khả năng lây truyền dịch cúm gia cầm từ vùng này sang vùng khác. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ phơi nhiễm của người với gia cầm bị ốm, nguy cơ xảy ra ca bệnh ở người có khả năng xảy ra rất lớn trong thời gian tới.
Hiện có rất nhiều người tiêm phòng cúm A/H1N1 để có thể phòng rất nhiều loại cúm khác. Vậy điều này có đúng không, thưa ông?
Mỗi một loại vắc xin chỉ phòng cho kháng nguyên trong vắc xin đó thôi. Ví dụ vắc xin phòng được vi rút cúm A/H1N1 thì không thể phòng được vi rút cúm A/H5N1. Tuy nhiên, nếu một ca bệnh vừa nhiễm H5N1, vừa nhiễm H1N1 vừa nhiễm H3N1 thì việc tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ tương tác tổ hợp vi rút này và hình thành vi rút mới gây nguy hiểm và tăng khả năng lây từ người sang người.
Theo TBKTSG Online

Bình luận(0)