108 trẻ tử vong: Dịch sởi vẫn kiểm soát được?

Google News

(Kiến Thức) - Tính đến thời điểm hiện tại đã có 108 trường hợp trẻ tử vong do sởi và các bệnh lây nhiễm khác liên quan đến sởi.

Chiều 15/4, khi tình trạng diễn biến dịch sởi trở nên vô cùng phức tạp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viên Nhi trung ương, bệnh viện đang ở trong tình trạng quá tải nghiêm trọng nhiều ngày qua.
Báo cáo mới nhất của Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Tình hình khám và điều trị bệnh sởi diễn biến rất phức tạp. Bệnh viện Nhi  hiện đã dành riêng Khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi và sử dụng thêm hàng chục giường ở Khoa Cấp cứu lưu, Khoa Tâm bệnh, Đông y cho bệnh nhi mắc sởi... 
Thậm chí phòng của bác sỹ, của lãnh đạo khoa cũng được trưng dụng để dành cho công tác điều trị. Số bệnh nhi đang nằm điều trị tại bệnh viện là 1.750 cháu, trong đó bệnh hô hấp là 1.000 cháu, riêng bệnh sởi là 250 cháu.
 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra công tác điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương đã ghi nhận tổng số 103 ca tử vong do các bệnh lây nhiễm khác liên quan đến sởi như viêm phổi, tiêu chảy, đồng nhiễm cả sởi và các bệnh khác, trong đó 25 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi.
Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết: Thời điểm này Bệnh viện Nhiệt đới đang điều trị cho 340 bệnh nhân sởi cả người lớn và trẻ em. Trong số này có trên 50 ca bệnh nặng phải thở máy.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn với số giường thực kê tại Khoa Nhi là 145 giường cũng đang tiếp nhận điều trị cho khoảng hơn 300-400 bệnh nhân nhi nhiễm sởi.
Còn bệnh viện đa khoa Đức Giang, số giường khoa Nhi là 127 thì cũng đang tiếp nhận điều trị cho 150 bệnh nhi. Bệnh viện đa khoa Thường Tín 40 giường bệnh điều trị cho 80 bệnh nhân. Bệnh viện đa khoa Hà Đông có 70 giường bệnh nhưng cũng đang điều trị cho 130 bệnh nhân nhi... Thực tế ở các bệnh viện này hầu hết tất cả các khoa: Khoa Sơ sinh, Khoa Nhi tổng hợp Khoa Điều trị tích cực... đều quá tải.
 Bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đều quá tải.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, mỗi tuần gần đây có 5-7 trường hợp mắc bệnh sởi đến bệnh viện điều trị, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 72 trường hợp, trong đó 9/10 huyện, thị xã có trường hợp mắc bệnh.
Cũng trong chiều 15/4, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại đã có 108 trường hợp trẻ tử vong do sởi và các bệnh lây nhiễm khác liên quan đến sởi".
Các trường hợp này được ghi nhận là 103 trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 4 ca ở Bệnh viện Bạch Mai và 1 ca ở Bệnh viện Nhiệt đới.
Cũng theo ông Phu, hiện nay tình trạng quá tải dịch sởi chỉ xảy ra ở các bệnh viện thuộc Hà Nội. Các tỉnh thành vẫn chưa có "than vãn" về dịch sởi nhiều. Dịch vẫn trong tầm kiểm soát của địa phương. "Sởi được xếp vào dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương. Hiện nay các địa phương thấy rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có hai tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao", ông Phu nói.
Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm:
Việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:
1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Ngọc Nga

Bình luận(0)