Các anh ạ, nhường vợ một chút thì có khó lắm không? Trong khi chỉ cần thế thôi, là các anh muốn gì cũng được.
Không biết đã bao nhiêu lần, Lan phải tức giận cầm điện thoại gọi điện cho Hoàng, hỏi xem rốt cuộc thì mấy giờ anh mới chịu về nhà. Bởi tan sở là 5h chiều, nhưng hôm nào cũng phải 8h tối Hoàng mới có mặt ở nhà để ăn cơm cùng hai mẹ con. Và mỗi khi về đến nhà, anh chỉ kịp vội vàng tắm rửa rồi ngồi luôn vào mâm.
Khoảng chừng ba hôm đầu tiên chồng về muộn, Lan còn có thể châm chước, nhẫn nhịn được. Nhưng đến lần thứ tư thì cô chẳng thể để yên được nữa. Cô la lối um sùm, liệt kê ra đủ công việc của vợ từ đón con, chợ búa, cơm nước, tắm cho con đến giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… và so sánh với việc chồng vốn được về sớm lại chẳng bao giờ có ý thức thương vợ, giúp vợ nổi bất cứ việc gì cả.
Hoàng vốn hiền lành, khi bị vợ mắng thì đều hứa rút kinh nghiệm. Nhưng chỉ được đúng ngày sau đó là răm rắp nghe lời vợ về sớm, còn đến hôm sau nữa thì lại tiếp tục về muộn. Những hôm như thế, Lan lại gọi điện giục về và nổi cơn tam bành ngay khi Hoàng vừa đặt chân vào nhà. Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như thế, khiến cả hai đều cảm thấy cực kỳ mệt mỏi.
|
Ảnh minh họa. |
Lan biết, Hoàng cũng chẳng thích thú gì việc về muộn mà khiến vợ chồng cãi cọ ngày qua ngày như thế. Nhưng cô thực không thể hiểu được nguyên nhân làm sao chồng mình cứ hết lần này lượt khác không giữ lời hứa. Mãi đến gần đây, Lan mới tình cờ được biết, nguyên do là vì chính cái biệt danh sợ vợ mà các đồng nghiệp của Hoàng gắn cho anh.
Chuyện là những lần Lan gọi điện hỏi chồng mấy giờ về, những người cùng phòng với Hoàng lại nửa đùa nửa thật bảo vợ Hoàng ghê quá, suốt ngày cứ thích kiểm soát chồng, rồi thì rằng vợ gọi một cái là chồng thưa ngay, vợ bảo về thì cấm có dám cãi… Còn giả như Hoàng có điện thoại mà đi ra khỏi phòng để nghe thì các đồng nghiệp cũng đoán là vợ anh gọi, nên lại lướt qua thả đùa vài câu kiểu như: “Vợ lại gọi về đấy à? Lại chả nhanh nhanh mà về đi”.
Rồi các thanh niên hay kể cả những anh đã có vợ ở cơ quan Hoàng, cứ có tiền lệ cuối giờ làm là rủ nhau lên tầng trên của cơ quan để đánh bóng bàn. Ai về sớm coi như thua, lại bị phạt là trưa hôm sau phải mời cả hội đi trà đá hoặc café sau bữa cơm trưa. Hoàng rõ ràng là thương vợ, nhưng rất sợ cái cảm giác bị tất cả mọi người hùa vào nói rằng mình sợ vợ. Và anh cũng sợ bị phạt nữa. Nên hôm nào cũng nghe vợ mà về sớm thì rõ ràng là khổ cả đôi đường.
Lan đến khi hiểu được tình thế khó xử của chồng rồi thì cũng thấy dễ chịu hơn, bớt nghi ngờ này nọ. Nhưng cô vẫn bực mình khi tại sao những người đồng nghiệp ở cơ quan chồng lại có suy nghĩ và hành động thiển cận như thế? Nghe lời vợ, về nhà sớm hay giúp vợ một việc gì đó, là sợ vợ hay sao? Mà có chăng nếu đàn ông sợ vợ để gia đình ấm êm, hạnh phúc, há chẳng phải là việc nên làm hay sao?
Bởi nhớ những hôm Hoàng về muộn, Lan thường tức điên đến mức ném cả cái điện thoại, gào thét vào tai chồng đủ chuyện nọ kia hay khiến cho mâm cơm nguội tanh chẳng buồn động đũa nữa. Chuyện vợ chồng cũng lục đục chỉ vì thế, vì mỗi chuyện Hoàng không tôn trọng ý kiến của Lan, là tan làm và về nhà đúng giờ mà thôi.
Mà nghĩ xem, nói rằng đàn ông sợ vợ, nhưng chính xác hơn là biết nghĩ cho vợ, biết quan tâm đến cảm xúc, cảm giác của vợ. Những điều này, nếu thực hiện thì các đấng mày râu sẽ thấy mất mặt với bạn bè lắm? Thật tình là trăm nghìn lần, các bà vợ chắc chắn vẫn muốn hỏi câu này.
Các anh đàn ông ạ, nhường nhịn vợ một chút thì có khó lắm không? Trong khi các anh không cần phải tỏ ra sợ vợ, chỉ cần cho đàn bà biết được rằng họ có tiếng nói trong gia đình, có sự ảnh hưởng nhất định đến người bạn đời và có cảm giác được tôn trọng, được yêu thương thôi là đủ cơ mà.
Chỉ cần thế thôi, thì rõ ràng là đàn ông muốn đòi hỏi bất cứ điều gì ở vợ mình cũng được. Sẽ là một tổ ấm thơm hương, một người vợ dịu dàng, khéo thu vén gia đình hay một cô nhân tình được vợ biến hình, nũng nịu bên bờ vai chàng mỗi đêm. Như thế, có phải là hạnh phúc không?
Mời quý độc giả xem thêm video: