Tuổi thơ bên bà nội
"Vô rồi... sút... vào... vào!". Ngôi nhà của tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy vang lên tiếng reo hò của người mẹ và chị gái. Trong trận đội tuyển nữ Việt Nam gặp đội Đài Loan và Việt Nam dẫn trước 2 -1 , ngôi nhà của Bích Thùy vang lên tiếng cổ vũ.
Đó cũng là lúc người mẹ tiếp tục nhắc lại hành trình của con gái, khi 15 tuổi đã được một huấn luyện viên ở TP.HCM về Quảng Ngãi phát hiện ra tài năng nên đã gợi ý cháu về xin phép cha mẹ để gia nhập CLB bóng đá nữ TP.HCM, rời sân bóng đá mini, chuyển sang sân lớn.
Hình bóng người cha đã khuất luôn dõi theo mỗi bước chạy của Bích Thùy (ảnh nhỏ); Tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy (ảnh lớn)
Giữa ngôi nhà cũ của gia đình Bích Thùy đặt bàn thờ có di ảnh của bà nội là Nguyễn Thị Nọ và người cha là ông Nguyễn Linh. Tuổi thơ của 3 chị em lớn lên như đàn gà con lạc mẹ, sớm hôm quây quần quanh bà nội.
Người cha chính là bệ đỡ cho niềm đam mê của Thùy. Năm 2016 khi ông sắp qua đời vì bạo bệnh vẫn ráng gắng gượng, tỏ vẻ mình còn khỏe để nhắn nhủ "con tham gia vào đội tuyển Việt Nam là ba vui rồi".
Thời ấy, bà Nguyễn Thị Nọ cứ tới bữa lại nấu một nồi cơm, đĩa cá, tô canh rau để qua ngày cùng 3 đứa cháu nội. Mái nhà thấp, những miếng tôn lợp trên những thanh vì kèo bằng gỗ bạch đàn.
Cứ sau Tết, cha của Thùy tranh thủ về quê lo việc cấy cày ít bữa rồi lại đón xe xuôi vào Sài Gòn mưu sinh. Bởi cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào 1 mẫu đất trồng củ lang, củ mì, lúa thì không thể nuôi được bầy con.
Thùy đã quen cảnh sống "bầy gà vắng mẹ". Khi nào mẹ trở về? Đó là khi lúa trên đồng bằng đầu ngả màu vàng. Mẹ trở về rồi lại vội vã đón xe vô Sài Gòn, để lại cho mấy chị em và bà nội là vài thùng lúa.
Những năm đầu, bà Thuyền cùng chồng mưu sinh ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), sau đó chuyển sang tỉnh Bình Dương. Công việc được bà Thuyền nhớ lại, đó là suốt ngày mưu sinh khắp các nẻo đường giữa trời nắng để cố gắng nuôi đàn con ăn học.
Nghiệp quần đùi áo số
Bà Thuyền bộc bạch, rằng dù chỉ muốn được ở nhà chăm sóc con cái, nhưng mảnh đất nghèo Nghĩa Hành này thì làm gì để kiếm được tiền nuôi con? Vậy là gác lại niềm ước ao, bà Thuyền tiếp tục như con thuyền lênh đênh.
"Tại sao 2 đứa con gái mà lại chơi toàn môn thể thao của con trai, con Thẩm và Thùy đều đi học võ, suốt ngày mặc áo số, quần đùi, chạy ngoài nắng, da đen thui, không còn giống con gái dịu dàng".
Đêm về, bà Thuyền nhớ con và kể lại điều này thì thấy mắt chồng cứ sáng lên, nở nụ cười rất tươi. Ông bảo rằng "con thích gì, có năng khiếu về môn nào thì cứ để cho con theo sự đam mê".
Ông Linh thời trai trẻ vốn là một cầu thủ bóng đá, bóng chuyền nên khi nghe con ngày nào cũng đi tập võ thì nói rằng "nó giống tui đó mà, cản làm sao được con".
Thỉnh thoảng bà Thuyền lại có lời can gián vì lo con gái đi thể thao sẽ bị chấn thương, nhưng cả năm bà chỉ có mặt ở nhà ít ngày, vì vậy 2 cô con gái tiếp tục quần đùi, áo số, nhất là được cha ủng hộ, "cha là số 1".
Thời còn đi học, dù không đi học thêm nhưng thành tích học tập của 2 chị em đều luôn đạt khá, giỏi. Cả hai sớm tự lập bằng cách tham gia vào câu lạc bộ năng khiếu của tỉnh Quảng Ngãi để được hưởng thù lao 2 - 3 trăm ngàn đồng mỗi tháng để đỡ đần cho cha mẹ.
Bà Thuyền nói "năm nào cũng có giấy khen, được nhận vở 2 - 3 đợt, nên cô đỡ phải đi mua, vì hồi đó nghèo, nghèo quá trời".
Bà Thuyền và người chồng của mình dự định tiếp tục lênh đênh giữa Sài Gòn thêm chục năm nữa để nuôi bầy con học ra trường thì sẽ trở về với cánh đồng, sống nốt những ngày tuổi già.
Nhưng ở quê nhà, người mẹ già đã không còn nấu cơm được cho cháu, đau ốm triền miên. Năm 2014, vợ chồng bà tạm xa những ngày rong ruổi trên phố để về lại Quảng Ngãi.
Nhưng lần quay về đó cũng báo trước định mệnh tang tóc. Vì chỉ 2 năm sau, ông Linh và người mẹ đột ngột qua đời trong cùng một năm.
Năm 2016, các trang báo thể thao Việt Nam đăng ảnh cô gái tóc ngắn có khuôn mặt buồn bã và đề cập "Bích Thùy quê Quảng Ngãi, hiện đang khoác áo CLB nữ TP.HCM. Ông Nguyễn Linh, cha của Bích Thùy bị ung thư và mất vào sáng 21/1.
Khi ấy, Thùy đã nén nỗi đau ở lại Trung Quốc tiếp tục cùng các đồng đội tập luyện chuẩn bị vòng loại cuối cùng Olympic Rio 2016".
Những dòng tin đó rồi cũng trôi vào quên lãng, vì 6 năm về trước, đội tuyển nữ Việt Nam và cái tên Bích Thùy chưa nổi tiếng như hiện nay.
Đối với Bích Thùy, đó là khoảng thời gian ngưng đọng mãi mãi trong lòng, nên sau này cô đã thổ lộ, mỗi lần ra sân cỏ là đều ngẩng lên bầu trời và tin rằng, người cha vẫn bên con, dìu dắt, phù hộ con khi ra sân cỏ.
Bà Thuyền, mẹ của cô kể lại ký ức đau buồn và được người con gái biến nỗi đau thành nỗ lực tận cùng như thế nào.
Bà kể, năm 2016, gia đình giấu chuyện buồn, nhưng trước khi người con gái sang Trung Quốc thi đấu thì bà lo con không kịp nhìn thấy mặt cha, nên gọi điện và Thùy trở về thăm nhà 2 ngày.
Nhưng 2 ngày đó cô đều ở tại bệnh viện, vừa chăm sóc cha, vừa lo cho bà nội đang nằm điều trị bệnh tim mạch, lão khoa.
Thấy con gái nấn ná và quá đau xót, người cha đã cố mỉm cười và nói như lời trăn trối rằng, cha chỉ mong con thành công, trở thành cầu thủ giói, mang vinh quang về cho Việt Nam.
Đó là lần gặp cuối cùng của Thùy với người cha. Mỗi lần kể về cha, Thùy đều khóc. Cha cô là người đã hy sinh, vất vả sớm hôm và chia sẻ khát khao con gái phải trở thành cầu thủ giỏi.
Lần nào về quê gặp cha, ông cũng nói về bóng đá, nhắc lại thời trẻ cũng suốt ngày ôm bóng lăn ngoài sân cỏ.
Mẹ Thùy mong muốn con gái sau này rời sân cỏ sẽ quay trở lại quê nhà Quảng Ngãi. Nhưng hiện này Thùy đang học khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hoa Sen ở TP.HCM.
Có thể cô sẽ ở lại làm việc nơi mảnh đất phương Nam từng in bóng người cha người mẹ đổ mồ hôi nước mắt tần tảo bao năm để nuôi các con khôn lớn.
Tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy 28 tuổi, cao 1,53m, thường chạy tiền vệ cánh trái. Cô có thành tích 37 lần ra sân cho đội tuyển nữ Việt Nam và ghi được 11 bàn, giành nhiều danh hiệu như Huy chương vàng SEA Games 29, 30, Vô địch giải nữ Đông Nam Á 2019, được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương Lao động hạng Nhì...