Vì sao kích thước tàng thinh trong lễ hội Ná Nhèm thay đổi?

Google News

Lễ hội Ná Nhèm 2017, hình dáng, kích thước của tàng thinh được thu gọn hơn so với lễ hội năm trước, không còn sơn màu hồng.

Được phục dựng vài năm gần đây, lễ hội Ná Nhèm (ngày 15 tháng Giêng, xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người bởi lễ rước tàng thinh mặt nguyệt – sinh thực khí nam nữ kích thước “khủng”.
Vi sao kich thuoc tang thinh trong le hoi Na Nhem thay doi?
Hình ảnh tàng thinh trong lễ hội Ná Nhèm 2017. 
Lễ hội Ná Nhèm 2017, hình dáng, kích thước của tàng thinh được thu gọn hơn so với lễ hội năm trước, không còn sơn màu hồng. Tuy nhiên, theo các bô lão trong làng Mỏ, kích thước của tàng thinh năm nay vẫn lớn hơn rất nhiều so với lễ hội xưa.
Ông Hoàng Văn Khể (62 tuổi, làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho biết, theo trí nhớ của ông, tàng thinh trong lễ hội xưa được làm bằng gỗ, chỉ bé bằng cổ chân. Mặt nguyệt - linh vật sinh thực khí nữ đan bằng tre, bé vừa bằng miệng thúng.
Lần đầu tiên được phục dựng năm 2012, kích thước của tàng thinh vẫn khá “khiêm tốn”. Ba năm sau đó, tàng thinh được làm to dần lên, còn mặt nguyệt thì không thay đổi.
Đặc biệt lễ hội 2016, tàng thinh có kích thước dài hơn 1m, nặng hơn 1 tạ, sơn màu hồng rực rỡ, khiến nhiều người so sánh quá giống linh vật trong một lễ hội ở Nhật Bản.
“Xã hội ngày càng đổi mới, con người cũng đổi mới. Tàng thinh kích thước lớn hơn qua từng năm cũng là điều dễ hiểu. Số lượng khách tăng gấp mấy lần so với trước lên tới hàng vạn. Chúng tôi thống nhất làm lễ vật to để mọi người cùng nhìn thấy”, vị bô lão làng Mỏ giải thích.
Vi sao kich thuoc tang thinh trong le hoi Na Nhem thay doi?-Hinh-2
Ông Hoàng Văn Khể, bô lão làng Mỏ giải thích việc kích thước của tàng thinh ngày càng lớn 
Ông Hoàng Minh Chuẩn, lềnh trưởng bản làng Mỏ (người có quyền hành trong một cộng đồng thuộc làng Mỏ) cho hay, tàng thinh năm 2017 được đặt một thợ mộc ở huyện Bắc Sơn làm trong nửa tháng. Tàng thinh có kích thước dài khoảng 1m, nặng gần 70kg.
“Thợ làm theo mẫu của chúng tôi gửi, mỗi năm chúng tôi sẽ đưa ra một mẫu riêng. Các bô lão trong làng sẽ quyết định việc này, hình dáng của tàng thinh, mặt nguyệt được giữ kín đến ngày khai hội”, ông Chuẩn cho hay.
Bà Hoàng Thị Luân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), Trưởng ban tổ chức Lễ hội Ná Nhèm 2017 cho biết, huyện đã tổ chức hội thảo khoa học để chứng minh sự tồn tại của lễ hội cách đây nửa thế kỷ. Các nhà nghiên cứu văn hóa uy tín đều khẳng định sự tồn tại của tàng thinh, mặt nguyệt trong lễ hội Ná Nhèm.
Kết thúc lễ hội, tàng thinh, mặt nguyệt sẽ được “hóa” để đức Vua nhận. Vì vậy, mỗi năm hình dáng của tàng thinh, mặt nguyệt đều thay đổi. Đó cũng là điểm độc đáo của lễ hội này.
Theo Th.s Bàn Tuấn Năng, Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh người tham gia phục dựng lễ hội Ná Nhèm, đây không phải lễ hội dân gian thông thường mà lễ hội đặc biệt của hai dòng họ vốn gốc họ Mạc. Bắt nguồn từ lịch sử, khi triều Mạc thất thủ, dòng họ Mạc phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của vua Lê và chúaTrịnh.
Họ Hoàng và họ Bế (gốc họ Mạc) rước sinh thực khí nam nữ đi cung tiến cho đức Vua của mình. Con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh.

Theo Tất Định/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)