Được xây dựng cách đây 3 năm, trạm thu phí Biên Hòa nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, trạm này lại được dùng để thu phí cho công trình đường tránh TP Biên Hòa, cách đó khoảng 10 km.
Điều kỳ lạ hơn nữa, dù đã tồn tại hơn 3 năm, nhưng trạm BOT Biên Hòa gần như "tàng hình" trên Quốc lộ 1 khi không thể tìm thấy trên bản đồ Google.
Chỉ người dân sống tại khu vực xã Trung Hòa, hoặc các tài xế thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này mới biết đến sự tồn tại của nó.
Video: Trạm thu phí Biên Hòa đặt "nhầm chỗ", hàng nghìn phương tiện cày nát đường dân sinh
Không đi cũng mất tiền
Đường tránh TP Biên Hòa có chiều dài hơn 12 km, do công ty Công ty CP đầu tư Đồng Thuận đầu tư theo hình thức BOT. Sau khi hoàn thành, tuyến đường được đặt tên là Võ Nguyên Giáp và chính thức đi vào hoạt động cách đây hơn 3 năm.
Lấy lý do thu hồi vốn, nhà đầu tư đã cho đặt trạm thu phí cách tuyến đường tránh khoảng 10 km, nằm trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Trung Hòa.
|
Trạm thu phí Biên Hòa đặt trên Quốc lộ 1. |
Những hộ dân có xe 4 bánh quanh khu vực trạm thu phí này bỗng dưng phải trả phí cho một tuyến đường mình không đi. Tuy nhiên đã nhiều năm trôi qua, họ chỉ biết âm thầm chịu đựng chứ không biết kêu than với ai.
Anh Trần Quang Anh Vũ - một người dân địa phương cho biết: "Nhà tôi ở đây có chiếc xe tải nhỏ, thỉnh thoảng có chạy hàng. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều người có xe quanh đây, không đi đến tuyến đường tránh nhưng mỗi lần qua trạm dù 500m cũng mất phí.
Lần đi 35.000 đồng, lần về 35.000 đồng nữa là 70.000 đồng. Một ngày đi 2 - 3 lượt cũng trăm mấy, hai trăm. Tình hình này đã diễn ra hơn 3 năm rồi, dân ở đây ai cũng bức xúc hết".
Mới đây, khi trạm thu phí Cai Lậy bị hàng loạt tài xế phản ứng vì đặt sai vị trí gây xôn xao dư luận, Công ty Đồng Thuận - nhà đầu tư tuyến tránh Biên Hòa nhanh chóng có công văn đề nghị tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT tăng cường lực lượng an ninh để kịp thời xử lý ùn tắc giao thông trong trường hợp tài xế cố tình dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.
|
Nhiều tài xế khi chạy đến trước trạm thường rẽ vào tuyến đường dân sinh bên cạnh để né phí. |
Ngoài ra, bên nhà đầu tư cũng lên kế hoạch miễn, giảm phí xe cho những người dân sống quanh khu vực trạm.
Tuy nhiên theo người dân, để được nằm trong diện miễn giảm phí qua trạm, những hộ dân sống tại xã Trung Hòa và một số khu vực lân cận phải được sự xác nhận của chính quyền địa phương. Nhiều tài xế cho biết thủ tục xác nhận rườm rà, rắc rối khiến nhiều người tỏ ra chán nản.
Xe chạy như quốc lộ trên đường dân sinh
Không chỉ những gia đình có xe 4 bánh, các hộ dân sống quanh khu vực trạm thu phí cũng bức xúc không kém khi con đường nhỏ vốn yên bình của họ nay liên tục bị các phương tiện giao thông cày nát.
Từ khi trạm thu phí Biên Hòa đi vào hoạt động, những con đường dân sinh trong địa bàn xã được các xe tải, ô tô "trưng dụng" để né trạm.
Trước đây, ở những đường này, phương tiện chủ yếu là xe máy, xe 3 bánh nhưng hiện nay xuất hiện đủ loại xe lớn nhỏ khác nhau, chạy liên tục như trên quốc lộ.
|
Tuyến đường dân sinh này phải lắp barie để ngăn xe lớn. |
Nhiều phương tiện khi đến trước trạm thu phí, thay vì mua vé qua trạm sẽ rẽ vào các con đường này. Chỉ 3 năm, những tuyến đường dân sinh trên địa bàn xã Trung Hòa đã nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm cho đời sống của những hộ dân tại đây.
Được biết, hiện tại có 2 tuyến đường dân sinh thường được tài xế sử dụng để né trạm thu phí. Trong đó, một đường nằm bên phải trạm thu phí đã lắp barie để ngăn các xe trọng tải lớn, nên chỉ những xe ô tô con mới có thể di chuyển vào đây.
Một con đường khác nằm phía bên kia đường cũng từng lắp barie, tuy nhiên đã bị tháo dỡ. Từ đó, các xe tải, xe ben thỏa sức "tung hoành".
Anh Lê Minh Hùng, một người dân sống tại đây cho biết: "Con đường này chủ yếu là đường học sinh đi học về đông, nên việc nhiều xe lớn chạy vào đây rất nguy hiểm. Đặc biệt, các xe này thường tranh nhau chạy, không ai nhường ai".
Cũng theo anh Hùng, các xe tải khi đến trước cửa ngõ trạm thu phí thường chạy ngược chiều vào tuyến đường dân sinh để tránh. Việc nhiều phương tiện trọng tải lớn đi qua đã ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng của những hộ dân nơi đây.
"Ở đây người ta phải để đá nhiều như thế này là vì đường hư quá, nó chạy rầm rầm làm đổ hết cả hàng rào nhà họ, nên phải lấy đá chèn lại vậy", anh Hùng lý giải thêm về 2 dãy đá bên đường.
|
Tuyến đường không lắp barie bị các xe tải cày nát. |
Việc những tài xế né phí, chạy vào các tuyến dân sinh nguyên nhân chủ yếu đến từ việc trạm thu phí Biên Hòa đặt sai vị trí, đáng lẽ nó phải ở trên tuyến đường tránh thì lại nằm ngay trên Quốc lộ 1 không liên quan đến dự án BOT của Công ty Đồng Thuận.
|
Người dân phải chèn đá lên như thế này để tránh hư hỏng các công trình 2 bên đường. |
Trong khi các cấp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vẫn đang chối bỏ trách nhiệm, cho rằng mình không hay biết gì về việc đặt trạm thu phí, thì những người dân ở khu vực này vẫn đang oằn lưng gánh chịu hậu quả một cách vô lý.