Australia và Việt Nam lên tiếng chỉ trích Trung Quốc
Tại đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, quan chức quốc phòng Australia và Việt Nam đã cùng với Mỹ và Nhật chỉ trích – hoặc là chỉ trích rõ ràng, hoặc sử dụng ẩn ý, về những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm theo đuổi những yêu sách lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Bắc Kinh ngày càng gặp nhiều sự chỉ trích từ các nước láng giềng châu Á sau khi đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, một trong nhiều bước được Trung Quốc triển khai để khẳng định dã tâm bá quyền trong khu vực.
“Chúng tôi chia sẻ những mối lo ngại sâu sắc đối với các nước ASEAN qua những diễn biến làm tăng căng thẳng trong khu vực vừa qua. Việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế để đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông là việc không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia David Johnston phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.
Trong bài phát biểu của mình, ông David Johnston đã không nêu đích danh Trung Quốc nhưng với những lời lẽ trên thì ai cũng biết ông Johnston đang ám chỉ ai.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu tại Shangri-La cũng lên án Trung Quốc đã có những hành động nằm ngoài luật pháp quốc tế khi đặt giàn khoan ở “trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.
|
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 13. Ảnh: Thanh Niên. |
“Việt Nam đã kiềm chế tối đa” và đang tìm kiếm các cuộc đối thoại ở “nhiều cấp” với Bắc Kinh để giải quyết những sự khác biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho biết thêm.
“Chúng tôi nhận thức rõ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng. Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt -Trung, giữ hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng.
Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp Đối thoại Shangri-La 13.
Bắc Kinh là tâm điểm chú ý tại Đối thoại Shangri-La 13
Trước đó, các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật phát biểu tại phiên họp Đối thoại Shangri-La 13 đã lên tiếng chỉ trích việc gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và cho biết các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố các yêu sách về lãnh thổ đã phá hoại trật tự quốc tế.
Trong ngày 30/5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã lên án cái ông gọi là "những nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng chiến lược ở châu Á" – ám chỉ những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang có những hành động “đơn phương gây bất ổn” và làm suy yếu các quy định của pháp luật.
|
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực. |
Gặp phải nhiều sự chỉ trích của quốc tế, các quan chức quốc phòng Trung Quốc có mặt tại phiên họp Đối thoại Shangri-La 13 vẫn cho rằng những lời cáo buộc trên là không có căn cứ và “Mỹ đang mắc phải sai lầm chiến lược quan trọng” trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Thiếu tướng Chu Thành Hổ - giáo sư ĐH Quốc phòng Trung Quốc còn lên tiếng cáo buộc ông Hagel là “đạo đức giả” trong các đánh giá của ông này về an ninh trong khu vực.
Nhiều quan chức quốc phòng cấp cao khác của ASEAN có mặt tại Đối thoại Shangri-La 13 đều tránh nhắc đến Trung Quốc nhưng kêu gọi sự hiệp nhất trong khu vực để giải quyết các tranh chấp chủ quyền.
“ASEAN phải đoàn kết cùng nhau để giải quyết các vấn đề quốc phòng và không được đi theo những hướng khác nhau”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu.
Ông Hishammuddin Hussein không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc nhưng ám chỉ Bắc Kinh phải có những bước đi giảm căng thẳng với ASEAN. “Những quyền lực lớn phải hiểu chúng tôi”, ông Hishammuddin Hussein cho hay.