Từ ngày 1/5, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ Philippines vào năm 2012 thì việc hạ đặt giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam là diễn biến mới nhất của cái gọi là “động thái hung hăng mới” của nước này trên Biển Đông.
Vậy, tại sao Trung Quốc lại nhằm vào Việt Nam trong số các nước có tranh chấp Biển Đông. Liệu sau ngày 15/8, Trung Quốc có rút giàn khoan về như tuyên bố, hay vẫn để đấy hoặc chỉ đơn giản là di chuyển giàn khoan đến vị trí khác cũng không được Việt Nam chấp nhận? Trước đó, Trung Quốc từng triển khai đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam lần nào chưa?
|
Tàu hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam, không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam. |
Theo bài viết của học giả Lê Hồng Hiệp trên tờ Vietnam+, sau năm 2013 khá ôn hòa, “làn sóng” mới này bắt đầu vào đầu năm nay với việc Trung Quốc bao vây Bãi Cỏ Mây trên quần đảo Trường Sa. Có nhiều bài báo cho rằng, Trung Quốc đã chủ động chuẩn bị cho việc xây dựng một đường băng trên Bãi đá Gạc Ma (được Trung Quốc chiếm đóng sau cuộc đụng độ với Việt Nam năm 1988).
Trung Quốc 3 lần triển khai giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
Việc triển khai giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không phải là chiến thuật mới của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải với Việt Nam. Năm 1997 và cuối 2004, Trung Quốc đã triển khai giàn khoan Kantan-3 và khoan trong Lô 113 của Việt Nam ngoài khơi Thừa Thiên Huế.
Trong cả 2 trường hợp trên, Trung Quốc đã rút giàn khoan sau khi Việt Nam có những phản ứng về ngoại giao.
Tuy nhiên, việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 có thể được coi là bước leo thang trong thái độ cương quyết của Trung Quốc. Không giống như Kantan-3, giàn khoan mới này được trang bị nhiều công nghệ tối tân có điều kiện khoan được tại vùng biển nước sâu.
Mặc dù vẫn không rõ việc giàn khoan này thực tế có tiến hành việc khoan thăm dò dầu khí không, nhưng việc nó được trang bị công nghệ có khả năng khoan sâu đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang đe dọa đối với quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Các chuyên gia có thẩm quyền của Việt Nam cũng báo cáo về tình trạng gây hấn nghiêm trọng của Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc đã đưa lên đến 80 tàu “hộ tống” giàn khoan gồm nhiều lực lượng khác nhau trong đó có 7 tàu chiến của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, nhằm hăm dọa các tàu Việt Nam. Một số tàu đã đâm một cách có chủ đích vào các tàu của Việt Nam, gây tổn thất đáng kể.
Tại sao Trung Quốc nhằm vào Việt Nam trong số các nước có tranh chấp Biển Đông?
Đối diện với vấn đề này, nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại nhằm vào Việt Nam trong số các nước có tranh chấp trên Biển Đông.
Một là, Trung Quốc coi Việt Nam là mục tiêu “dễ chịu” hơn so với các bên tranh chấp khác trong ASEAN. Với mục tiêu là Việt Nam, Trung Quốc sẽ không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cường quốc khác nếu là Philippines, quốc gia gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.
Thứ hai, việc đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc trong việc bảo vệ giàn khoan này. Về mặt địa lý, Trung Quốc có điều kiện thuận lợi để gây sức ép với Việt Nam hơn là các nước tranh chấp khác.
Thứ ba, Việt Nam là nước cạnh tranh lớn nhất của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, vì vậy nhắm vào Việt Nam là cơ hội để Trung Quốc kiểm tra, đánh giá quyết tâm và khả năng thực sự của Việt Nam. Thời gian gần đây, Việt Nam đã đầu tư lớn để nâng cấp lực lượng hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển.
Th tư, gần đây Việt Nam đang nỗ lực tiến tới quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, và sự triển khai giàn khoan là lời cảnh báo của Trung Quốc về hậu quả của những hành động như vậy.
Bất kể mục đích của Trung Quốc là gì, việc hạ giàn khoan thực sự là một mối đe dọa đối với lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam phải đứng lên chống lại những thách thức từ phía Trung Quốc. Nhưng không may, Việt Nam có rất ít sự lựa chọn để chống lại “cuộc xâm lăng” này từ người hàng xóm phương bắc.
Hiển nhiên, Việt Nam không muốn sử dụng vũ lực để buộc giàn khoan rời khỏi Vùng Đặc quyền kinh tế của mình, vì nó tiềm ẩn nguy cơ lớn dẫn tới chiến tranh diện rộng với Trung Quốc, và Việt Nam không hề mong muốn điều đó. Sự kiềm chế của Việt Nam trong việc sử dụng vũ lực là có thể hiểu được, mặc dù điều đó có thể làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Việt Nam có thể ngăn chặn được Trung Quốc.
Sau ngày 15/8, Trung Quốc sẽ làm gì với giàn khoan HD 981
Theo học giả Lê Hồng Hiệp, vì những phân tích ở trên, hệ quả là, tất cả những gì Việt Nam có thể làm là công khai hóa những việc làm của Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ về mặt ngoại giao của cộng đồng quốc tế, phản đối hành động của Trung Quốc.
|
Sửa chữa tàu cảnh sát biển bị hư hỏng do tàu Trung Quốc cố tình đâm thẳng vào. Ảnh: TTXVN. |
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể vẫn duy trì thường xuyên hiện diện của các tàu chấp pháp xung quanh giàn khoan, như một hình thức phản đối hành động của Trung Quốc, hay ít nhất cũng là một chiến thuật để cản trở sự triển khai và thăm dò của giàn khoan.
Tương tự, GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Austraila dự đoán rằng, Trung Quốc rất có thể vẫn theo kế hoạch đề ra từ đầu là duy trì giàn khoan trong vùng biển Việt Nam cho đến cuối thời hạn, mà họ đã ấn định.
Kết cục có thể xảy ra là, hai bên sẽ cố gắng tạo sự cân bằng cho đến ngày 15/8/2014 - ngày Trung Quốc tuyên bố sẽ rút giàn khoan. Nhưng vẫn chưa rõ Trung Quốc có thực hiện đúng cam kết hay không và nếu có thực hiện, liệu Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan quay trở lại vùng biển của mình, hay chỉ đơn giản là di chuyển giàn khoan đến vị trí khác cũng không được Việt Nam chấp nhận.
Học giả Australia đánh giá cao biện pháp của Việt Nam
Theo giáo sư Carl Thayer, có nhiều động thái cho thấy Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông, kể cả hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên tại đây. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bước đi nhằm củng cố tham vọng này.
Hành động đó của Trung Quốc là bất ngờ, gây hấn và bất hợp pháp. Bất ngờ do hành động này diễn ra khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tốt đẹp. Gây hấn bởi đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một giàn khoan lớn tại EEZ của một nước mà không được sự cho phép của nước đó. Ngoài ra, Trung Quốc đang triển khai hàng trăm tàu, trong đó có cả tàu chiến trang bị vũ khí tới bảo vệ giàn khoan, đó là hành động rất gây hấn. Và bất hợp pháp vì Trung Quốc không tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, giáo sư Thayer đánh giá cao những biện pháp của Việt Nam trong đối phó với hành vi ngang ngượccủa Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay. Giáo sư nhấn mạnh Việt Nam phải để cộng đồng quốc tế hiểu rằng Việt Nam là nạn nhân, còn Trung Quốc là kẻ đi xâm lược trong trường hợp này.
Trong khi đó, Giáo sư Ronald Clarke của Đại học Sydney cho rằng hành động của Trung Quốc là thiếu tôn trọng nước láng giềng. Biện pháp khôn ngoan là đối thoại chứ không phải tự ý hành động.
Theo ông Clarke, Trung Quốc cần chấm dứt những hành động như vậy, đối thoại với Chính phủ Việt Nam cũng như chính phủ các nước có liên quan để tìm ra giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
Căng thẳng biển Đông làm nóng Quốc hội Mỹ
Theo thông tin mới nhất từ TTXVN, chủ đề Biển Đông đã chiếm phần lớn thời lượng cuộc điều trần kéo dài gần một tiếng rưỡi tại Quốc hội Mỹ.
Trong cuộc điều trần ngày 20/5 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel trước Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về ngân sách hoạt động và viện trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho khu vực trong tài khóa 2015, các nghị sỹ Mỹ cho rằng các hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực.
Các nghị sỹ cũng như ông Russel đều cho rằng hành động đơn phương gây căng thẳng qua việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại Biển Đông và sử dụng nhiều tàu thuyền, trong đó có tàu của Hải quân, hộ tống đã và đang đe dọa tới hòa bình, an ninh cũng như sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Phát biểu trong cuộc điều trần, ông Russel khẳng định các diễn biến ở Biển Đông hiện nay là những hành động của Trung Quốc nhằm “giành giật chủ quyền một cách phi pháp và việc xây dựng trên đảo Gạc Ma là hành động nhằm quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp để làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền”.
Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương Steve Chabot cho rằng, các hành động nói trên của Trung Quốc chính là “một trong những thách thức đối với mục tiêu mà Mỹ đặt ra ở khu vực” khi thực hiện chiến lược tái cân bằng.