Bí mật về huyền thoại săn voi Y Thu Knul

Google News

(Kiến Thức) - Khi vua voi Y Thu Knul mất, người Pháp và Vua Bảo Đại đã xây mộ cho ông để tỏ lòng thành kính. Nhiều người thắc mắc, của cải ông để lại cho con cháu là bao nhiêu...

Y Thu Knul là ai?
Với chiến tích bắt và thuần dưỡng khoảng 400 con voi (có tài liệu ghi là 500 con) tù trưởng Y Thu Knul đã đi vào huyền thoại như một biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của người Tây Nguyên.
Chắc hẳn nhiều người biết Y Thu Knul là huyền thoại săn voi của mảnh đất Tây Nguyên, thành tích lẫy lừng của ông cao như ngọn núi mà hậu thế sau này chắc sẽ không còn ai sánh được. Thế nhưng, xuất thân và cuộc đời của ông thì nhiều người còn mơ hồ, không thống nhất. Đến nay, có nhiều thông tin không đồng nhất về huyền thoại săn voi Buôn Đôn là Y Thu Knul ở Đăk Lăk, chẳng hạn như ông là người Lào hay người Ê Đê? Săn được bao nhiêu voi trắng? Thọ bao nhiêu tuổi? Của cải ông để lại cho hậu thế và đem xuống mộ là bao nhiêu?...
Để làm sáng tỏ những tranh cãi, thắc mắc về huyền thoại vua voi, chúng tôi tìm về Buôn Đôn, nơi tự tay ông khai hoang, lập làng gặp các thế hệ con cháu của dòng vua voi hỏi chuyện về ông. Tuy nhiên, chính những người trong dòng họ cũng có ít người nhớ một cách rõ ràng lịch sử cha anh ngoài một người cháu ruột tên là Ma Phương (tên thật của ông là Y Nhi Ria). Ma Phương là cháu đời thứ 5 của vua voi Y Thu Knul.
Chân dung vua voi Y Thu Knul được thực dân Pháp tặng. 
Theo Ma Phương thì vua voi Y Thu Knul sinh năm 1828, mẹ là người Ê Đê, bố là người M'Nông, khi Y Thu Knul còn nằm trong bụng mẹ thì cha đẻ của ông bị bệnh nặng và qua đời. Sau đó, mẹ ông đã lấy một người đàn ông Lào làm chồng. Chính vì điều này nên hậu thế sau này thường nghĩ nhầm rằng, Y Thu Knul mang dòng máu người Lào, thậm chí, có người còn gọi ông là vua Lào, gru (tù trưởng) Lào... 
Y Thu Knul sinh ra như điềm báo về một định mệnh, hay ý trời. Khi ông sinh, dân làng nghe tiếng chuông ngựa chạy 7 vòng quanh một ngọn núi, ánh mặt trời đang đốt ran mặt đất bỗng trở nên hiền hòa mát mẻ. Khi tập nói, giọng ông đã khác hẳn người thường, giọng ấm áp như ánh mặt trời, rền vang như thác rũ, ánh mắt sáng như sao, lóng lánh như ngọc, thân hình trượng phu, to mập. Sau này, khi chỉ huy các cuộc chiến lớn, ông không hề dính một viên đạn hay mũi tên nào của kẻ thù.
Khi trưởng thành, Y Thu Knul cầm đầu một tộc người tranh hùng với những tộc người khác ở vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, trong thời gian chiếm đất tranh hùng, ông đưa gia đình, nhân dân về Buôn Đôn khai phá để lập căn cứ và ổn định tổ chức, làm ăn tích trữ lương thực. Trước đây, Buôn Đôn là một ốc đảo nằm bên dòng sông Sêrêpôk, nơi đây có đất đai màu mỡ, núi rừng bạt ngàn, vừa thuận cho việc săn bắt lại vừa có thể trồng cây lương thực. 
Khi đến đây, ông đã thu nạp thêm dân, thu nhận cả những nô lệ và tù nhân từ miền xuôi lên, cho họ ăn uống và bảo vệ họ khỏi bị bắt. Đổi lại, những người này chăm chỉ làm ăn, khi có chiến sự thì xông pha trận tuyến, khí thế rất hăng. Khi ốc đảo ven sông đã đông đúc, ông đặt tên cho vùng đất này là Buôn Đôn, Buôn Đôn là đặt theo tiếng Lào hiểu theo nghĩa của người Ê Đê thì đó là một đảo, ốc đảo.
 Dòng sông Sêrêpôk nơi chứng kiến các cuộc chiến của vua voi.
Buôn Đôn yên bình dưới thời vua voi
Cùng với quá trình lập làng, vua voi Y Thu Knul vừa dấn thân vào các cuộc trường chinh ở vùng Đông Bắc Campuchia tranh hùng với một số tộc người khác có ý định xâm chiếm lãnh thổ.
Trong một cuộc chiến đẫm máu ở Đông Bắc Campuchia cuối thế kỷ XIX, quân của Y Thu Knul bị thua, giặc lại bắt được mẹ ông rồi đem về một cái hang ở tháng Bảy Nhánh trên dòng sông Sêrêpôk để làm tù binh nhằm dụ hàng Y Thu Knul. Để chống lại giặc, ông cho quân lính làm 3 chiếc cầu qua sông Sêrêpôk, 3 cầu này nối thẳng đến doanh trại quân địch. Ngoài ra, ông còn liên kết với nữ tướng Ba Gia Vằm để chống địch. 
Ban đêm, quân giặc băng qua 3 cây cầu tập kích doanh trại Y Thu Knul, thế nhưng ông đã cho quân mai phục phía dưới cầu, đợi cho một nửa cánh quân giặc qua cầu, ông liền hạ lệnh cho quân lích chặt đứt 3 chiếc cầu qua sông Sêrêpôk khiến quân giặc ở hai bờ không trợ chiến được cho nhau. Lúc này, ông và Ba Gia Vằm mới phản công, đồng thời cho một cánh quân tinh nhuệ bí mật vượt sông tập kích doanh trại địch, giải thoát cho mẹ già. Quân địch bị thua đậm ở thác Bảy Nhánh liền phải rút về vùng rừng Campuchiaa, từ đó không dám xâm phạm lãnh thổ của Y Thu Knul nữa.
Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp lại xâm lược nước ta. Vùng Tây Nguyên nổi lên hai người có thế lực chống lại thực dân Pháp đó chính là Nơ Trang Lơng, người này hùng cứ trên một khoảng rộng lớn dọc theo sông Đồng Nai và phía Nam tỉnh Đăk Lăk ngày nay, thế lực thứ hai đó chính là vua voi Y Thu Knul. 
Khi thực dân Pháp tiến quân lên Đăk Lăk đã gặp phải sự chống trả mãnh liệt của hai cánh quân này. Ông Nơ Trang Lơng gặp ông Y Thu Knul ở vùng thác Bảy Nhánh để bàn kế đánh giặc. Trong khi ông Nơ Trang Lơng chủ trương đối đầu trực diện với thực dân Pháp thì ông Y Thu Knul lại chủ trương ngoại giao mềm mỏng, giữ vững ổn định ở các buôn để dân làng có thời gian tích trữ lương thực, vì lúc này vùng Đăk Lăk đang mất mùa. 
 Ông Y Nhi Ria (Ma Phương) lưu giữ nhiều tư liệu về vua voi.
Sau khi hai người không đạt được sự đồng thuận trong chiến lược lâu dài, ông Nơ Trang Lơng trở về căn cứ Nâm Nung tiếp tục chống thực dân Pháp. Dưới sự chỉ huy của Nơ Trang Lơng, cánh quân Nam Tây Nguyên đã tiêu diệt được nhiều tướng lĩnh Pháp, đánh lui nhiều cuộc hành quân lên mảnh đất cao nguyên của chúng, bảo vệ người dân. Tuy nhiên, do thế lực của thực dân Pháp mạnh hơn nên đã tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn, căn cứ Nâm Nung bị thất thủ, Nơ Trang Lơng bị giặc bắt và xử tử vào ngày 25/6/1935.
Về phía ông Y Thu Knul thì khi thực dân Pháp kéo lên, ông vờ giảng hòa với Pháp và biếu cho chính quyền thực dân một con voi bày tỏ thiện chí hòa bình. Sau sự kiện này, thực dân Pháp tặng ông một số lễ vật làm quà biếu, đồng thời muốn ông đến các bản làng khác để thuyết phục người dân quy hàng thực dân Pháp.
Sau này, nhiều người tranh cãi về chính sách ngoại giao ôn hòa của Y Thu Knul, có người phản đối, nhưng có người lại cho rằng đó là đường lối khôn ngoan, vì trong suốt thời gian chiến tranh, Buôn Đôn vẫn được hòa bình, người dân thừa cơ cày cấy, tích trữ lương thực, có cuộc sống sung túc. 
(còn tiếp)
"Khi vua voi Y Thu Knul mất, chính người Pháp và Vua Bảo Đại đã xây mộ cho ông để tỏ lòng thành kính. Mộ của ông nằm cạnh mộ của người vợ và các con cháu bên rừng Yok Đôn. Hiện mộ của ông trở thành nơi tham quan của du khách thập phương mỗi khi đến Buôn Đôn du lịch, đó cũng là biểu tượng văn hóa của người Tây Nguyên".
Ông Ma Phương
Dương Hòa

Bình luận(0)