Phát hiện 33 vụ tham nhũng trong 137.984 cuộc thanh kiểm tra

Google News

Năm 2014, cơ quan thanh tra đã tiến hành 137.984 cuộc thanh kiểm tra hành chính, chuyên ngành, phát hiện 33 vụ và 51 đối tượng có liên quan tới tham nhũng.

137.984 cuoc thanh tra, kiem tra, phat hien 33 vu tham nhung hinh anh
 Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên thứ 6 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: VGP.
Chiều 29/12, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên thứ 6 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban chỉ đạo.
Thay mặt ban chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, phó trưởng ban chỉ đạo, trình bày báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
Kiến nghị xử lý 1.544 cá nhân
Trong đó, nêu bật những kết quả làm được trong năm qua của ban chỉ đạo với phương châm kiên quyết là “không buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng cũng không làm thay các cơ quan chức năng” trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Đặc biệt, báo cáo nêu rõ việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng cho thấy: 10 tháng năm 2014, cơ quan thanh tra đã triển khai 5.558 cuộc thanh tra hành chính và 132.426 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 27.289 tỉ đồng, 1.265ha đất; đã kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 13.395 tỉ đồng, 564ha đất, xuất toán và loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.894 tỉ đồng; xử lý vi phạm hành chính 2.015 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 873 tập thể, 1.544 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ việc.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 33 vụ, 52 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Đến hết tháng 9/2014, cơ quan kiểm toán đã triển khai 125/186 cuộc kiểm toán (đạt 67,2% kế hoạch), có 56 cuộc đã ban hành báo cáo kiểm toán. Kết quả kiến nghị xử lý tài chính của 56 cuộc đã ban hành năm 2014 đối với niên hạn ngân sách năm 2013 là 4.001 tỉ đồng.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tính đến ngày 30-10 cơ quan điều tra đã khởi tố 248 vụ án/473 bị can, viện kiểm sát truy tố 271 vụ án/639 bị can, tòa án các cấp xét xử sơ thẩm 216 vụ án/496 bị cáo.
Tình trạng các bị cáo phạm tội tham nhũng được tòa án áp dụng hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cho hưởng án treo trong năm 2014 giảm đáng kể so với năm 2013 và các năm trước (chỉ còn 21,3% so với 31,2% năm 2013).
Có biện pháp chống tham nhũng vặt
Kết luận phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao ý kiến phát biểu của các thành viên ban chỉ đạo thể hiện sự tập trung, xác đáng đối với các vấn đề hiện nay, sự chuẩn bị chu đáo của thường trực ban chỉ đạo là Ban Nội chính trung ương, các đại biểu cũng cơ bản đồng ý với báo cáo đánh giá của ban chỉ đạo và nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
Tổng bí thư nêu rõ: Năm 2014, công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến tích cực, ban chỉ đạo hoạt động tích cực, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm như chú ý xây dựng thể chế, nâng cao công tác tuyên truyền, đã đẩy mạnh tiến độ xét xử các vụ án lớn, thực hiện kiểm tra đôn đốc tiến độ các vụ án từ điều tra đến thi hành án...
"Cần xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần kiên trì, kiên quyết, làm lâu dài, nhất là đối tượng tham nhũng là người có quyền chức", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Do đó, hoạt động của ban chỉ đạo đã có tác động tốt, được dư luận nhân dân đồng tình. Một số khâu trong quá trình tố tụng có tiến độ như giám định, hạn chế án treo, phối hợp giữa các ngành tốt hơn, tuyên truyền của báo chí có tác dụng răn đe, phòng ngừa tốt hơn, các đoàn kiểm tra có tác dụng tốt đối với các địa phương, bộ ngành trong công tác này.
Về phương hướng, Tổng bí thư nêu rõ: cần xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần kiên trì, kiên quyết, làm lâu dài, nhất là đối tượng tham nhũng là người có quyền chức.
Cần làm toàn diện, chú ý một số khâu trọng tâm, trọng điểm, nhất là những khâu còn yếu như sửa đổi, xây dựng thể chế, kê khai tài sản cho thật hiệu quả, chống hình thức, xử lý vụ việc nghiêm khắc hơn. Tiến hành nghiên cứu, tổng kết công tác phòng chống tham nhũng để có cơ sở đề xuất trung ương ban hành chỉ thị.
Ban chỉ đạo có biện pháp chống tham nhũng vặt, chỉ đạo các tỉnh tích cực xem xét các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, chuyển sang cơ quan điều tra, thực hiện tốt hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành.
Quan tâm hơn đến việc chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp với việc tích cực tham gia phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc lựa chọn nhân sự cho đại hội các cấp.
Theo Chinhphu.vn

Bình luận(0)