Ngày 17/5, Hội đồng chức danh giáo sư (GS) nhà nước đã chính thức có văn bản yêu cầu Hội đồng chức danh GS ngành ngôn ngữ học rà soát, báo cáo về vụ Giáo sư Nguyễn Đức Tồn, một thành viên của hội đồng ngành ngôn ngữ, bị tố "đạo văn".
Theo đó, mặc dù chưa nhận được đơn thư tố cáo về việc GS Tồn đạo văn, nhưng từ thông tin dư luận, báo chí phản ánh, với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội đồng chức danh GS nhà nước đã yêu cầu Hội đồng chức danh GS ngành ngôn ngữ học báo cáo về việc này.
Theo yêu cầu của Hội đồng chức danh GS nhà nước, hội đồng ngành sẽ phải rà soát toàn bộ thông tin liên quan đến vụ việc, họp Hội đồng, thẩm định để kết luận GS Tồn có thực sự "đạo văn" hay không.
"Vụ việc này phải làm đúng quy trình vì đây là danh dự của một con người. Hội đồng chức danh GS nhà nước không bao che nhưng phải hết sức thận trọng. Việc này không thể xử lý chỉ dựa trên dư luận mà phải dựa vào chứng cứ và các phân tích, đánh giá chuyên môn"- một lãnh đạo Hội đồng chức danh GS nhà nước cho biết.
Sau khi có báo cáo của hội đồng ngành, Hội đồng chức danh GS nhà nước sẽ họp thảo luận và đưa ra nghị quyết xử lý cụ thể.
Thực tế, trước khi Hội đồng chức danh GS nhà nước yêu cầu báo cáo thì GS Trần Ngọc Thêm - chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành ngôn ngữ học - đã xác nhận có bằng chứng rõ ràng về việc GS Tồn đạo văn.
"Đó mới chỉ là ý kiến cá nhân của GS Thêm. Còn việc xác định đạo văn hay không cần phải căn cứ trên kết luận của cả hội đồng ngành"- vị lãnh đạo Hội đồng chức danh GS nhà nước cho biết.
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, GS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn - người được phong chức danh GS năm 2009 - bị tố "đạo văn" từ chính các luận văn, luận án của học trò mà ông hướng dẫn.
Đáng nói, GS Nguyễn Đức Tồn nguyên là viện trưởng Viện ngôn ngữ học và hiện đang là thành viên Hội đồng chức danh GS ngành ngôn ngữ học.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước đó, GS Trần Ngọc Thêm cho biết trong cuốn sách "Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)" (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002) gồm 11 chương của ông Tồn, ngoài chương I giống với luận án phó tiến sĩ của học trò, thì có 4 chương sách của ông Tồn cũng giống gần như y nguyên với đề tài nghiên cứu của học trò. Trong đó, 2 chương sao chép từ luận án của Nguyễn Thúy Khanh và 2 chương sao chép từ luận văn của một sinh viên là cháu của ông Tồn do người khác hướng dẫn.
Đặc biệt, sau đó GS Tồn tiếp tục bổ sung, phát triển, mở rộng để ra cuốn "Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy". Cuốn sách năm 2010 này được ông Tồn đưa đi đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 mà ở Hội đồng cơ sở, GS Thêm chính là một trong hai phản biện.
"Tôi đã rất bất ngờ khi thấy trong cuốn sách này, phần viết về khái niệm văn hóa, ông Tồn đã chép 3-4 trang gần như y nguyên từ cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của tôi đã xuất bản và tái bản nhiều lần trước đó. Việc đạo văn này đã được ông Tồn thực hiện vừa tinh vi vừa trắng trợn.
Không chỉ đạo văn của tôi, ông Tồn còn "đạo" cả định nghĩa văn hóa của tổng giám đốc UNESCO mà tôi dẫn ra trong sách của mình. Việc đạo văn trong cuốn sách xuất bản khi ông đã là giáo sư là hành vi không thể chấp nhận được"- GS Thêm nói.