Xử lý xe quá khổ, quá tải: Chặt ngọn, còn gốc thì sao?

Google News

Lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT cả nước đang dồn sức cho đợt cao điểm xử lý xe quá khổ, quá tải, và hiệu quả đem lại rất tích cực.

“Hung thần” đã biết sợ
Từ ngày 20/6 vừa qua, lực lượng chức năng trên toàn quốc bắt đầu bước vào đợt cao điểm xử lý xe quá khổ, quá tải có thể nói là quyết liệt nhất từ trước tới nay. Trên địa bàn Hà Nội, tính đến 20/7, các đơn vị của Phòng CSGT, Công an TP đã xử lý hơn 1.100 trường hợp xe cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử phạt gần 300 trường hợp tương tự.
Xu ly xe qua kho, qua tai: Chat ngon, con goc thi sao?
 Cảnh sát giao thông huyện Đông Anh kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn xã Đại Mạch. Ảnh: Công Hùng
Đợt cao điểm này đã khiến các DN, cá nhân có ý định sử dụng xe quá khổ, quá tải thực sự “chùn bước”. Chủ một DN xe tải trên địa bàn quận Hà Đông (xin giấu tên) tiết lộ: “Chúng tôi có 8 xe thì cả 8 phải đi cắt bỏ phần cơi nới thành thùng. Lực lượng chức năng tuần tra liên tục, xử lý rất nghiêm khắc, mức phạt có khi lên đến vài chục triệu đồng, “nhốt” xe, tước bằng khiến cả DN lẫn lái xe đều sợ “xanh mắt” không dám vi phạm”.
Chỉ huy Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội xác nhận có trường hợp DN như nêu trên và cho biết: “Bắt đầu vào cao điểm, Đội đã mời chủ DN lên làm việc, tuyên truyền, vận động để họ tự cắt bỏ thành thùng, tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải và trật tự, ATGT. Sau khi cắt bỏ thành thùng, DN đã gửi hình ảnh đến báo cáo với Đội. Hậu kiểm sau đó cho thấy DN chưa có dấu hiệu tái vi phạm”.
Trên khắp các quận, huyện từ ngoại thành đến trung tâm TP, bóng dáng những chiếc xe “hung thần” cao ngất ngưởng, lặc lè dày xéo lên đường phố, gây hoang mang, sợ hãi cho người dân đã gần như bị xóa sạch. Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến nhận định, sau một tháng tập trung xử lý nghiêm, việc kiểm soát vi phạm của xe kinh doanh vận tải, đặc biệt với xe vận chuyển bùn đất, vật liệu xây dựng đã có chuyển biến rõ rệt.
Nhiều DN đã tự giác chấp hành, cắt bỏ thành thùng, không chở quá tải, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường hơn. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Tiến cũng đưa ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình xử lý xe quá khổ, quá tải như: Nhiều lái xe, DN có hành vi chống đối quyết liệt, gây khó khăn cho công tác xử lý. Nhiều tài xế lợi dụng đêm tối hoặc khi vắng bóng lực lượng chức năng để hoạt động; phương tiện, trang thiết bị phục vụ xử phạt còn thiếu, nhân lực mỏng… ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý.
Bên cạnh đó, có không ít ý kiến cho rằng, trong khi CSGT, Thanh tra GTVT căng mình đấu tranh, ngăn chặn xe quá khổ, quá tải thì vai trò của chính quyền địa phương lại còn khá mờ nhạt. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, việc xử phạt trên đường chỉ là cắt ngọn vi phạm. Gốc rễ vấn đề là việc quản lý hoạt động của DN tại các địa phương. Nhất là tình trạng không ít bến bãi vật liệu xây dựng bị thả nổi, hoạt động tùy tiện, nạn đổ trộm phế thải tràn lan vẫn tồn tại ở nhiều nơi.
“Chỉ trông chờ vào tuần tra, kiểm soát sẽ không thể giải quyết dứt điểm vấn nạn xe quá khổ, quá tải. Các địa phương cần chặt bỏ mọi gốc rễ, ngăn chặn các điều kiện hình thành nên vấn đề nhức nhối đã tồn tại rất lâu này” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Xu ly xe qua kho, qua tai: Chat ngon, con goc thi sao?-Hinh-2
 Lực lượng chức năng cắt thùng 1 trường hợp xe cơi nới. Ảnh: VK
Tỏ rõ vai trò quản lý
Nhiều chuyên gia cho rằng, xử lý xe quá khổ, quá tải là một chặng đường rất dài và gian khổ, riêng lực lượng công an, thanh tra GTVT sẽ không đủ để giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Trong khi đó, người dân lại chưa được thấy nhiều nỗ lực của chính quyền các địa phương trong quản lý DN vận tải, bến bãi vật liệu, công trình xây dựng.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan phân tích, chính quyền địa phương có đầy đủ lực lượng, chế tài để quản lý và nâng cao hiệu quả ngăn chặn xe quá khổ, quá tải từ trước khi lăn bánh ra đường. Nhưng công tác này ở nhiều nơi vẫn bị bỏ ngỏ.
Một số địa phương, đặc biệt ở khu vực ngoại thành, ven sông vẫn tồn tại nhiều bến cát không được cấp phép hoặc sai phép. Đây là điểm khởi phát của các đoàn xe “hung thần”, chủ bến bãi vốn đã kinh doanh “ngoài luật” lại luôn sẵn sàng chất hàng quá tải cho xe, khiến CSGT, Thanh tra GTVT phải đuổi bắt năm này qua năm khác.
Hay như tình trạng DN có xe cơi nới thành thùng, chở quá tải bị phạt nặng rồi tái diễn. Nếu chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng có biện pháp mạnh, thu hồi đăng ký kinh doanh, đóng cửa bến bãi của DN vi phạm chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng răn đe mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Đặc biệt hiện tượng lái xe, chủ xe chống đối lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý vi phạm chở quá tải đang diễn ra ngày càng phức tạp, khốc liệt hơn. Những cá nhân coi thường pháp luật, sẵn sàng chống người thi hành công vụ đó cũng là một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương, cần lập hồ sơ quản lý, giáo dục tốt hơn nữa.
Ông Đỗ Cao Phan chia sẻ: “Từ trước đến nay, chỉ thấy địa phương phạt chủ công trình vì xây dựng sai phép, gây mất vệ sinh môi trường chứ ít khi thấy phạt xe quá tải ra vào, sử dụng xe quá khổ vận chuyển vật liệu”. Thay vì để CSGT phải trải người trên khắp các tuyến đường, địa phương có thể cử cảnh sát trật tự, tuần tra, xử phạt ráo riết ngay tại công trình, tái phạm nhiều lần thì yêu cầu tạm dừng thi công, sẽ hiệu quả hơn.
Vấn nạn xe quá khổ, quá tải đã tồn tại từ rất lâu ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước, gây ra rất nhiều hệ luỵ về trật tự, ATGT. Chính phủ đã yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên thực tế cho thấy sự vào cuộc của chính quyền các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội còn chưa rõ rệt, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nói: “Nếu chính quyền địa phương kiên quyết xử lý DN cố tình sử dụng xe quá khổ, đóng cửa các bến bãi vật liệu xây dựng trái phép, không tuân thủ quy định; đình chỉ công trình sử dụng xe quá tải… chắc chắn sẽ góp phần vô cùng to lớn, triệt xóa tận gốc rễ vấn nạn này”.
Theo Minh Tường/Kinh tế và đô thị

>> xem thêm

Bình luận(0)