Xử lý thế nào việc hoang báo 4 ngư phủ bị chém, đẩy xuống biển?

Google News

(Kiến Thức) - Cơ quan điều tra khẳng định không có vụ thuyền trưởng tàu cá chém 4 thuyền viên rồi đẩy các nạn nhân xuống biển như trình báo của ngư dân ở Cà Mau. Vậy, trường hợp hoang báo sẽ bị xử lý như thế nào?

Ngày 13/12, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Cà Mau) cho biết đã làm rõ thông tin gây hoang mang dư luận về vụ ngư dân báo tin nhìn thấy thuyền trưởng tàu cá chém 4 thuyền viên rồi đẩy các nạn nhân xuống biển.
Xu ly the nao viec hoang bao 4 ngu phu bi chem, day xuong bien?
Công an Cà Mau cho biết thông tin ngư phủ bị chém, ném xuống biển chỉ là hoang báo. (Ảnh minh họa) 
“Chúng tôi khẳng định không có vụ việc nào xảy ra với nội dung như vậy. Các ngư dân trở về đất liền cũng đã được cách ly y tế theo quy định” - một lãnh đạo cơ quan điều tra nói.
Bốn ngày trước, lực lượng công an và biên phòng ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) tiếp nhận tin tố giác tội phạm của anh N.C.T. (30 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).
Theo T., ngư dân này làm thuê trên một tàu đánh cá mang số hiệu của tỉnh Bến Tre nhưng không rõ tên chủ tàu. Đầu tháng 12, anh thấy thuyền trưởng trói tay 4 ngư dân, treo lên rồi đánh, chém rồi đẩy xuống biển.
T. kể rằng anh và một số đồng nghiệp phản ứng lại thuyền trưởng thì bị đánh ngất xỉu. Chờ tàu cặp bến vào ngày 9/12, T. đến Đồn Biên phòng Đất Mũi và Công an huyện Ngọc Hiển trình báo vụ việc.
“Người dân báo tin tội phạm thì chúng tôi tiếp nhận. Lúc đó, anh T. nói chuyện không bình thường”, thượng tá Nguyễn Minh Chiếm, Trưởng công an huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) nói.
Liên quan đến việc xử lý như thế nào đối với trường hợp hoang tin trên, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, nếu là đưa tin trên mạng internet thì sẽ bị xử phạt theo nghị định số 15.
Trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả không nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật đó nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, tùy mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Cường cũng cho hay, về trách nhiệm dân sự, căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác). Trong đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu; mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. 
"Trường hợp đối tượng phát tán thông tin sai sự thật trên mạng internet mà cơ quan chức năng phát hiện ra có người trình báo, tố giác hoặc qua quá trình kiểm tra, phát hiện thì vẫn xem xét xử lý theo quy định pháp luật" -luật sư Cường nhấn mạnh.

 | VTV TSTC


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)