Chủ tọa bắt tay ông Nguyễn Đức Chung: Pháp luật tình người!

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ thẩm phán, bất cứ nghề gì bên cạnh trách nhiệm cũng phải có tình người. Đạo lý, tình người song hành cùng pháp luật sẽ nhân lên sự nhân văn trong cuộc sống.

Hình ảnh Thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh Tòa Hình sự thuộc TAND Hà Nội, chủ tọa phiên tòa xuống bắt tay, vỗ vai động viên ông Nguyễn Đức Chung và các bị cáo sau khi phiên tòa kết thúc khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành động nhân văn nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hành động này làm mất tính trang nghiêm, thậm chí dễ dẫn đến dư luận có suy nghĩ tiêu cực liên quan đến bản án tòa tuyên.
Giải thích về hành động này, mới đây, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, việc xuống bắt tay động viên các bị cáo là yên tâm cải tạo để sớm được về. Đồng thời, việc ông xuống bắt tay các bị cáo khi phiên tòa đã kết thúc, HĐXX đã xong việc chứ không phải lúc đang xử.
Chu toa bat tay ong Nguyen Duc Chung: Phap luat tinh nguoi!
Thẩm phán Trương Việt Toàn bắt tay động viên bị cáo Nguyễn Đức Chung. 
“Tuyên án xong là xong, ở góc độ nào đó, bị cáo cũng là con người, thẩm phán cũng là con người, không lẽ người ta giơ tay ra mình không bắt. Tôi nghĩ chuyện này diễn ra một cách bình thường, thể hiện tình người với nhau thôi" – Thẩm phán Trương Việt Toàn nói.
Hành động của Thẩm phán Trương Việt Toàn khiến chúng ta suy ngẫm về pháp luật và tình người.
Ở góc độ pháp lý, pháp luật không có quy định nào cấm việc thẩm phán bắt tay động viên bị cáo sau khi phiên tòa đã kết thúc. Thậm chí, quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán cũng yêu cầu Thẩm phán phải hành xử một cách đúng mực, đúng pháp luật và tôn trọng con người. Bởi hoạt động xét xử là hoạt động “với con người” và “vì con người”.
Bởi phán quyết của tòa án vừa thể hiện quyền lực nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Đòi hỏi Thẩm phán phải xem xét, đánh giá sự việc một cách cẩn trọng, đặt ra trong từng hoàn cảnh cụ thể trên nền tảng đạo đức xã hội để ra bản án thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.
Do đó, điều đáng quan tâm nhất, quá trình xét xử, Thẩm phán có hoàn thành tốt sứ mệnh và trọng trách của mình để đưa ra bản án công tâm, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật hay không?
Trong vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù. Mức án này thể hiện sự nghiêm minh cũng như khoan hồng của pháp luật dựa trên việc đánh giá đúng tính chất, mức độ các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ và được dư luận đánh giá là phù hợp với hành vi của bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung là người hiểu biết pháp luật, từng đứng đầu cơ quan điều tra, tuy nhiên vì những động cơ cá nhân, chỉ vì muốn biết thông tin về những người thân quen của mình dẫn đến hành vi phạm tội. Bản thân bị cáo đã thành khẩn khai báo hành vi và ăn năn hối cải. Khi còn công tác, ông Chung nhiều lần đạt được nhiều thành tích, được khen thưởng, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, bị cáo có tiền sử bị bệnh ung thư, phạm tội lần đầu nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bản án tòa tuyên cho thấy, hội đồng xét xử đã tính đến “công và tội” và đưa ra mức án phù hợp, đủ để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội và cũng đủ để cải tạo giáo dục các bị cáo. Đồng thời, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.
Ở góc độ tình người, hành động bắt tay động viên các bị cáo sau khi phiên tòa kết thúc, bản án đã được tuyên thể hiện sự nhân văn của Thẩm phán. Bởi không chỉ Thẩm phán, bất cứ nghề gì bên cạnh trách nhiệm cũng phải có tình người. Đạo lý, tình người song hành cùng pháp luật sẽ nhân lên sự nhân văn trong cuộc sống. Người Thẩm phán đặt mình vào hoàn cảnh của các bị cáo để phân tích có lý có tình, đưa ra bản án khiến số đông tâm phục, khẩu phục, giúp các bị cáo nhìn nhận được lỗi lầm, động viên các bị cáo cải tạo tốt để sửa chữa những sai lầm là hành động rất đáng được biểu dương. 
>>> Mời độc giả xem thêm video xét xử kín vụ án Nguyễn Đức Chung

Nguồn: VTV TSTC

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)