Vụ việc nam thanh niên đi xe đạp phá trụ ATM trộm tiền bất thành tại thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút sự quan tâm của dư luận liên quan tính pháp lý trong vụ án này.
Cụ thể, vào khoảng 0h45 phút sáng 21/11, bảo vệ Chi nhánh Ngân hàng HDBank (số 449-451 Lý Thường Kiệt, phường 8, quận Tân Bình, TPHCM) nhận thông tin trụ ATM trước khuôn viên chi nhánh ngân hàng báo động khẩn.
Lúc này, bảo vệ ngân hàng là anh Lê Hoàng Khôi (23 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) đi ra kiểm tra thì phát hiện cửa ngoài trụ ATM bị cạy phá, trụ ATM bị cạy phá bung nắp nên trình báo công an.
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
Nhận tin báo, Công an quận Tân Bình có mặt khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera để điều tra. Qua trích xuất camera an ninh, lực lượng công an phát hiện 1 thanh niên đi xe đạp đã tiếp cận phá trụ ATM, khi phát hiện thấy bảo vệ ngân hàng, nam thanh niên nhanh chóng lên xe đạp bỏ đi.
Khoảng 30 phút sau, lực lượng công an phát hiện thanh niên đi xe đạp có đặc điểm gần giống với đối tượng phá trụ ATM mà camera ghi được nên tiến hành mời về trụ sở công an phường làm việc. Tại cơ quan công an, nam thanh niên khai tên Nguyễn Công Vương (22 tuổi, ngụ quận 3) và đã thừa nhận hành vi cạy ATM nhằm trộm tiền nhưng không thành công.
Nhận định vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đã cho biết, hành vi phạm tội của đối tượng đã xâm hại đến quyền sở hữu về tải sản của Ngân hàng HDBank được pháp luật bảo vệ. Đối tượng đã lợi dụng đêm tối, vắng vẻ lén lút dùng 2 tơ vít, 2 kềm vặn ốc, 1 ống điếu và 1 cây sắt dạng chữ L đi cạy trụ ATM lấy tiền. Khi đối tượng đang cậy phá cây ATM thì bị hệ thống báo động phát hiện và thông báo cho bảo vệ đi ra kiểm tra. Khi nhìn thấy bảo vệ từ xa, đối tượng đã đạp xe bỏ chạy.
Xét hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành Tội trộm cắp tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 138 BLHS. Trong trường hợp này, hành vi phạm tội của đối tượng được xác định thộc trường hợp phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành được quy định tại Điều 18 BLHS. Phạm tội chưa đạt chưa hoàn hành là việc người phạm tội vì nguyên nhân khách quan chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả không xảy ra.
Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành vật chất nên cần phải xác định được trị giá tài sản cụ thể mà đối tượng hướng tới để chiếm đoạt thì mới có căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.
“Trong vụ việc này, mục đích ban đầu của đối tượng xác định trong cây ATM có tài sản (tiền) để chiếm đoạt. Nhưng cụ thể có bao nhiêu tiền thì đối tượng hoàn toàn không biết. Sau này Ngân hàng kiểm tra trong cây ATM vẫn còn nguyên số tiền gần 200 triệu. Do đó, không thể buộc đối tượng phải chịu trách nhiệm về hành vi trộm cắp 200 triệu chưa thành này hoặc có thể số tiền còn lớn hơn nữa bên trong cây ATM.
Trường hợp này, nó cũng giống như đối tượng xông vào Ngân hàng cướp tài sản yêu cầu đưa tiền nhưng chưa chiếm đoạt được thì bị bắt giữ. Chúng ta không thể buộc đối tượng phải chịu trách nhiệm chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong két hay kho lưu trữ của Ngân hàng mà sau này đưa ra thống kê lên đến hàng chục tỷ…”, Luật sư Thơm cho biết.
Quan điểm của luật sư Thơm, trường hợp chưa xác định được cụ thể giá trị tài sản mà đối tượng trộm cắp nhưng thực tế trong cây ATM có tiền thì đối tượng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo cấu thành định khung cơ bản của Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 138 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật (tối thiểu giá trị chiếm đoạt từ 02 triệu đồng trở lên).
Nếu trong trường hợp bên trong cây ATM thời điểm đối tượng cậy phá không có tiền thì hành vi của đối tượng không cấu thành Tội trộm cắp tài sản và sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Hành vi trộm cắp của đối tượng đã sử dụng các công cụ, dụng cụ cậy phá cây ATM lấy tiền. Quá trình cậy phá cây ATM, dù cho không thành nhưng nếu làm hư hỏng máy móc thiết bị thì đối tượng còn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS nếu gây thiệt hại cho thiết bị được xác định từ 02 triệu đồng trở lên.
Điều 18. Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.