Đó là dự án nhà máy xi măng Nam Đông (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) có vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng nhưng "đắp chiếu" suốt 13 năm qua, giờ đây nó trở thành địa điểm chăn thả trâu, bò với diện tích 40ha. Dự án ngàn tỷ để hoang, trong khi người dân nơi đây lại đang “khát” đất để sản xuất mưu sinh.
|
Trú sở dự án đang thành điểm trú ngụ của đàn trâu, bò |
Theo tìm hiểu của PV, tháng 3/2009, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông (tại thôn 3 và thôn 5, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) khởi công trên diện tích khoảng 40 ha. Dự án do Công ty CP Đầu tư xi măng Nam Đông Việt Song Long làm chủ đầu tư, với tổng vốn 4.437 tỉ đồng và cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2011.
Theo dự kiến, nhu cầu khai thác dự án 50 năm và sẽ giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế mỗi năm hàng trăm tỉ đồng. 40 hộ dân đã đồng ý di dời nhà cửa, vườn tược đến khu tái định cư để nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, việc người dân đã hi sinh để đến nơi tái định cư với diện tích ít hơn, khó khăn về sản xuất, nguồn nước, thế nhưng sau khi triển khai vài hạng mục thì dự án này lại bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất.
|
Dự án để hoang trong khi người dân thì đang "khát" đất để sản xuất mưu sinh |
Ông Nguyễn Như Hai (trú xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, kể từ khi nhà máy khởi công đến nay cũng trải qua khoảng 14 năm rồi mà không làm lại, trong khi người dân muốn có đất để canh tác thì lại không có. “Chúng tôi kiến nghị với cấp trên làm thế nào thu hồi đất cho nhân dân sản xuất, không thì bây giờ đất để hoang hóa, quá lãng phí”, ông Hai bày tỏ.
Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, về phía người dân họ cũng mong muốn dự án nhà máy xi măng được hoàn thiện để tạo công ăn việc làm, mặt khác, để tránh tình trạng lãng phí đất khi dự án bị bỏ hoang quá lâu. Trong khi đó, phía huyện, cũng mong muốn các sở ngành, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện dự án, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương.
|
Xót xa những chú trâu đang sống trong dự án hơn 4000 tỷ |
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc với PV, ông Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư vào 2008, khởi công năm 2009 và đã triển khai được việc đền bù giải phóng mặt bằng, rà soát bom mìn, xây dựng toà nhà hành chính hoàn thiện 70 – 80%.
Theo ông Cường, năm 2010, công ty này có văn bản điều chỉnh lần thứ nhất, đến năm 2012 có văn bản tiếp tục thực hiện và đến cuối 2012 bắt đầu khởi động trở lại. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có văn bản rà soát các dự án xi măng, dự án này hoãn hoạt động. Khoảng tháng 7/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản khác rà soát lại các dự án xi măng, trong đó có dự án xi măng Nam Đông và có quyết định dừng vô thời hạn.
|
Khung cảnh hoang tàn ở một dự án hơn 4000 tỷ |
Đến năm 2019, tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Thừa Thiên Huế, Chính phủ đã đồng ý xem xét cho tiếp tục nghiên cứu thực hiện dự án, nhưng với điều kiện rà lại tiến độ, rà lại kinh nghiệm năng lực tài chính, công nghệ bảo vệ môi trường và các yếu tố liên quan khác.
Số phận dự án này sẽ đi về đâu, câu hỏi này đang cần một đáp án cụ thể trong thời gian tới.