Xin tự chủ không bàn bạc, lãnh đạo BV Tuệ Tĩnh “đẩy” bác sĩ đi bán rau

Google News

Việc 160 bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương 8 tháng nay đang được dư luận quan tâm. Nhiều bác sĩ phải bán rau, làm shipper để kiếm sống.

Liên tục nhiều ngày qua, cứ sau giờ làm việc, hàng chục bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh lại xuống đường căng băng rôn kêu cứu. Từ tháng 5/2021 đến nay, 160 bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ được nhận một nửa lương mỗi tháng. Thay vì tập trung làm chuyên môn, nhiều bác sĩ đã phải bán hàng, giao hàng để kiếm sống.
Xin tu chu khong ban bac, lanh dao BV Tue Tinh “day” bac si di ban rau
Các bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường kêu cứu sau giờ làm việc. 
Bác sĩ… bán rau
Chị Lê Thanh Huyền - điều dưỡng của khoa Phụ sản (Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết, đã nhiều tháng nay, sau giờ làm việc chị lại phải đi xe máy về chợ gần nhà để bán đồ ăn. “Nói là bán đồ ăn nhưng thực ra là bán đồ ăn trong gia đình. Bố mẹ ở quê gửi đồ ra cho con cháu nên tôi mang ra bán lại cho mọi người kiếm tiền trang trải cuộc sống”, chị Huyền nói.
Chị Huyền chia sẻ thêm, ngày còn đi học, chưa bao giờ chị nghĩ ngoài tập trung cho công việc chuyên môn thì có ngày chị lại phải ra chợ ngồi bán mớ rau, quả trứng. “Hết tiền thì phải đi làm thêm là bình thường, nhưng có hôm nghe con gái nhỏ hỏi sao mẹ là bác sĩ mà phải đi bán rau tôi không khỏi chạnh lòng”, chị Huyền tâm sự.
Ở hoàn cảnh bi đát hơn, chị Nguyễn Thị Thu - làm việc tại khoa Sản (Bệnh viện Tuệ Tĩnh) còn phải vay các "app" tín dụng trên mạng để để cầm cự qua ngày. Chồng chị Thu làm việc tự do nên đợt dịch COVID-19 chỉ ở nhà suốt.
“Cả gia đình trông vào đồng lương của tôi nhưng chỉ được nhận có một nửa thì làm sao đủ sống. Giờ đây hàng tháng tôi bị ngân hàng đòi tiền nhưng tôi thì không cách nào đòi được của Bệnh viện”, chị Thu bức xúc.
Chị Lê Thanh Bình - chuyên viên phòng Tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, từ tháng 12/2021 đến nay toàn bộ 160 bác sĩ, nhân viên Bệnh viện không được nhận đồng lương nào.
“Chúng tôi vẫn hoàn thành công việc được giao phó rồi cuối ngày lại phải đi kêu cứu khắp nơi”, chị Bình nói.
Tự chủ không minh bạch
Lý giải về việc Bệnh viện nợ lương nhiều tháng liền, ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, từ tháng 1/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng các quy định của Nhà nước và Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ và chế độ tiền lương của viên chức, người lao động làm việc tại Bệnh viện thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và Pháp luật hiện hành. 
Tuy nhiên, suốt một năm qua dịch bệnh COVID-19 khiến Bệnh viện Tuệ Tĩnh gần như không hoạt động dẫn đến việc không có kinh phí để chi trả lương nhân viên.
Ông Đỗ Quốc Huy đã phải cầu cứu Bộ Y tế Bộ Y tế và các đơn vị liên quan kịp thời có phương án hỗ trợ kinh phí theo đề nghị của Bệnh viện và Học viện do tháng 12/2021 bệnh viện chưa chi trả lương đồng thời chuẩn bị đến Tết Nhâm Dần để bệnh viện sớm giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, thay mặt 160 bác sĩ, nhân viên Bệnh viện đang bị nợ lương, chị Lê Thanh Bình khẳng định: “Việc xin tự chủ của lãnh đạo Bệnh viện là không minh bạch. Chúng tôi phải tự chủ nhưng không được bàn, được biết về tự chủ”. Theo chị Bình, việc xin tự chủ là quyết định của lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh mà không hề bàn bạc với nhân viên.
Chị Bình chia sẻ thêm, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chủ yếu phục vụ việc thực hành, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Y học cổ truyền, hoàn toàn không có đủ năng lực để có thể tự chủ tài chính. “Không hiểu vì lý do gì, năm 2019 lãnh đạo bệnh viện đột nhiên lại xin cơ chế tự chủ tài chính, việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện trước đó. Đặc biệt, từ khi chuyển sang tự chủ tài chính, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng chưa có định hướng phát triển hay giải pháp cụ thể để tăng nguồn thu, tự đảm bảo tài chính. Tháng 12/2019, toàn bộ cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đã yêu cầu mở cuộc họp, trong đó 88% không đồng ý với quyết định tự chủ của bệnh viện”, chị Bình nói.

Để giải quyết bức xúc của người lao động, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam phải giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi của người lao động và báo cáo Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022. 

Hoàng Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)