Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết chiều 22/12, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng kết quả điều tra ban đầu sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng và những vấn đề liên quan đến công trình này. Hiện Công an tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện này.
Làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết sẽ báo cáo Bộ Công an để xác định Bộ hay tỉnh sẽ thụ lý điều tra vụ sập hầm thủy điện. Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã xúc tiến các bước điều tra ban đầu như phối hợp với các bộ liên quan khám nghiệm hiện trường, thu thập hồ sơ, lấy mẫu địa chất đưa đi giám định... “Vụ việc này sẽ được điều tra theo đúng quy định pháp luật với tinh thần tích cực, khẩn trương, nhanh chóng nhằm làm bài học kinh nghiệm cho công tác phòng ngừa tai nạn trong thi công các công trình khác trên địa bàn tỉnh” - Thiếu tướng Sơn khẳng định.
Về sự cố sập hầm, Thiếu tướng Sơn cho rằng hậu quả rất nghiêm trọng, nhất là tác hại rất lớn về chính trị, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân, đe dọa trực tiếp tính mạng 12 công nhân và gây thiệt hại lớn về vật chất.
|
Công an tỉnh Lâm Đồng khám nghiệm hiện trường hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập. Ảnh: TL. |
Trả lời câu hỏi: “Kết quả điều tra ban đầu đã phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật gì chưa?” của chúng tôi, Thiếu tướng Sơn nói: “Bằng mắt thường cũng nhìn thấy có vấn đề. Chủ đầu tư đã phát hiện các nguy cơ của công trình nhưng không có biện pháp xử lý. Khi thi công đường hầm, các doanh nghiệp đều cảnh báo nguy hiểm và dừng lại. Trước đây hầm đã sụt lún rồi. Các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra, phát hiện địa chất có vấn đề, việc gia cố có vấn đề, nhiều vấn đề thực hiện chưa đúng quy định và đã đề nghị xem lại khâu gia cố để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chủ đầu tư cứ nói do thay đổi các nhà đầu tư, thi công nên sinh ra như vậy”.
Theo Thiếu tướng Sơn, cơ quan điều tra sẽ kiểm tra, giám định tất cả các khâu từ khảo sát, thiết kế đến thi công, giám sát công trình. “Trên cơ sở đó, chúng tôi căn cứ vào dấu hiệu từng vụ việc, phát hiện những vấn đề liên quan đến pháp luật rồi xem xét khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
Từ vụ việc này, tỉnh Lâm Đồng sẽ kiểm tra, rà soát tất cả thủy điện trên địa bàn” - Thiếu tướng Sơn cho biết.
Đào hầm thủy điện trên… đất màu!
Trong chiều 22/12, lần đầu tiên từ khi xảy ra sự cố, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex thuộc Bộ GTVT, công ty mẹ của Công ty CP Đầu tư Xây dựng điện Long Hội, chủ đầu tư dự án thủy điện Đa Dâng - Đachomo), xuất hiện tại tỉnh Lâm Đồng và có mặt trong cuộc họp đánh giá công tác cứu hộ cứu nạn.
“Thay mặt tổng công ty, tôi xin lỗi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân vì đã gây ra một việc phức tạp” - ông Thăng nói và cho biết trong thời gian xảy ra sự cố, ông đang đi nước ngoài nên không thể có mặt tại hiện trường.
Ông Thăng cho rằng sự cố trên là do địa chất vùng này quá phức tạp. “Cả nước chỉ vùng đất này có địa chất như vậy. Trên mặt núi là đất màu trồng rau thì dưới cũng là đất màu, cũng mềm như thế. Vì thế, khi đào đường hầm này, một nhà thầu đầy kinh nghiệm là Tổng Công ty Lũng Lô đã phải “đầu hàng”. Nhà thầu thứ hai là Công ty CP Đầu tư Xây dựng ngầm Vinaconex cũng phải dừng lại do không xử lý được tình huống địa chất quá phức tạp. Khi Vinaconex đào đã tụt đất một lần rồi và không khắc phục nổi. Chúng tôi cũng tìm các phương án để đào nhưng không làm được. Khi nghe công ty báo cáo là rất phức tạp, không thể nào làm được, nếu làm là gặp nguy hiểm, chúng quyết định không dùng phương án của Vinaconex và thay đổi thiết kế. Theo thiết kế của Trung Quốc là đào 2,2 km đường hầm dẫn nước nhưng sau khi đất bị tụt như thế, chúng tôi phải thay đổi”.
Cũng theo ông Thăng, đoạn hầm có vị trí bị sập vừa qua dài 600 m đã được Vinaconex gia cố vòm sắt cách đây hơn 10 tháng. Khi Công ty CP Sông Đà 505 vào chuẩn bị đổ bê tông kết cấu hoàn chỉnh thì xảy ra sự cố. “Khi Công ty CP Sông Đà 505 vào làm vệ sinh để chuẩn bị đổ bê tông, do di chuyển máy móc, bê tông nên hầm bị rung động. Mặt khác, trước đó đã có mưa, nước, đất chảy thẳng xuống, gặp các cốt pha gỗ trước đây đã bị mục, gãy nên đất tụt xuống rất mạnh như vậy” - ông Thăng giải thích.
Sau khi lý giải, ông Thăng vội vàng rời cuộc họp khi chưa kết thúc và cho biết: Hôm nay (23/12), Vietracimex sẽ tổ chức họp báo tại Hà Nội.
11/12 nạn nhân đã xuất viện
Ngày 22-12, 11 nạn nhân trong vụ sập hầm đã xuất viện. Riêng chị Đặng Thị Hồng Ngọc (25 tuổi, nạn nhân nữ duy nhất) vẫn đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại BV Đa khoa Lâm Đồng. Các công nhân xúc động cám ơn các y, bác sĩ đã chăm sóc trong những ngày qua. Một số nạn nhân quay trở lại hầm thủy điện cám ơn, chia tay những đồng nghiệp, số còn lại đến sân bay Liên Khương trở về gia đình.
Cùng ngày, ông Võ Thành Đông, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế, thừa ủy quyền bộ trưởng Bộ Y tế đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các công nhân bị nạn, đồng thời khen thưởng các y, bác sĩ BV Đa khoa Lâm Đồng hoàn thành tốt nhiệm vụ.