Sát thủ giết người hàng loạt đối mặt mức án tử hình

Google News

(Kiến Thức) - Với hành vi cướp tài sản và giết người hàng loạt trong 1 thời gian ngắn, đối tượng Trần Văn Điểm đối mặt mức án tử hình.

Ngày 20/12, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt giữ Trần Văn Điểm (27 tuổi, quê quán tại Tứ Xuyên, Tứ Kỳ, Hải Dương), nghi can gây ra cái chết cho anh Nguyễn Hoàng Ngân (39 tuổi), chủ quán thực phẩm chay Âu Lạc, phường Thắng Tam (TP Vũng Tàu).
Điều khiến dư luận rúng động hơn cả đó là Trần Văn Điểm cũng chính là nghi can gây ra 3 vụ án giết người, cướp của khác. Cụ thể, theo tài liệu điều tra và lời khai của đối tượng Trần Văn Điểm, ngoài việc gây ra cái chết cho anh Nguyễn Hoàng Ngân vào ngày 15/12, Điểm còn ra tay sát hại người phát cơm từ thiện Trần Minh Phước (23 tuổi, ngụ quận 5) tại vòng xoay Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ (phường 2, quận 6, TP HCM) vào ngày 10/8. Trong quá trình bỏ trốn về Quảng Ngãi, ngày 24/8, cũng với nghề giác hơi, Điểm làm quen rồi dùng dao đâm chết anh Lê Minh Hiệp cướp 1 xe Nouvo LX tại Quảng Ngãi, đem bán với giá 15 triệu đồng. Đến ngày 15/9, Điểm tiếp túc dùng dao đâm chết ông Phạm Văn Can cướp một xe máy, một điện thoại di động tại quận Hải An, TP Hải Phòng.
 Đối tượng Trần Văn Điểm.
Vậy, với hành vi giết người hàng loạt trong một thời gian ngắn, Trần Văn Điểm sẽ bị xử lý như thế nào theo các quy định của Pháp luật.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho rằng, với hành vi giết người cướp của trên, Trần Văn Điểm có thể đối mặt với mức án tử hình.
“Hành vi làm chết người được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hậu quả của hành vi trái luật này là hậu quả chết người. Như vậy, tội giết người chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người. Mục đích và động cơ phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội giết người và được quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt. Với những hành vi giết người trên, Trần Văn Điểm sẽ bị xử lý theo tội "giết người” được quy định tại điều 93, Bộ Luật Hình sự năm 2009 và tội "cướp tài sản" được quy định tại Điều 133, Bộ luật Hình, khung hình phạt cao nhất có thể lên đến tử hình”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái dẫn giải, tội giết người được quy định tại điều 93, luật hình sự năm 2009:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
“Theo tài liệu điều tra và lời khai của Trần Văn Điểm thì đối tượng này đã giết hại đến 4 người”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
 Luật sư Nguyễn Hồng Thái.
Nói về “Tội cướp tài sản”, theo Luật sư Thái, trong 4 vụ án giết người trên mà Điểm là nghi can chính, ngoài việc sát hại các nạn nhân, Trần Văn Điểm đã phạm thêm tội “Cướp tài sản” mà cụ thể Điểm đã cướp 2 xe máy và 1 điện thoại của 2 người và giết 2 người đó. Vì thế, Trần Văn Điểm sẽ bị xem xét xử lý thêm tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133, Bộ luật Hình sự quy định về tội cướp tài sản như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”
Luật sư Thái cho biết: “Trong các quy định trên của tội “Cướp tài sản”, Trần Văn Điểm đã phạm phải khoản 4, điều 133, Bộ Luật hình sự”, 
“Tổng hợp tất cả các khung hình phạt, Điểm chắc chắn khó thoát án tử hình. Ngoài ra, Trần Văn Điểm còn có nghĩa vụ bồi thường dân sự cho gia đình các nạn nhân”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Hải Ninh

Bình luận(1)

Minh Hiền

thuyduong

Không tử hình mới là lạ