Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa có quyết định hoãn thi hành án về phần tài sản của bản án ly hôn giữa vợ chồng “vua café” Trung Nguyên.
Theo đó, viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân tối cao yêu cầu cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ra quyết định hoãn thi hành án về phần tài sản của bản án trên trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.
Nguyên nhân của quyết định này là do bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và xin hoãn thi hành án theo các quyết định thi hành án đối với bản án phúc thẩm hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu đề nghị giám đốc thẩm này có khả năng bà Thảo thay đổi lại kết luận bản án hay không?
|
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay, tòa án xét xử hai cấp là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Nếu bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị mà tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử phúc thẩm, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, các bên đương sự có trách nhiệm phải chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, điều 327 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định: Trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Theo đó, Giám đốc thẩm xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Cụ thể bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 326 và có đơn đề nghị theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật này hoặc có thông báo, kiến nghị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 327 của Bộ luật này; trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị.
Tại điều 332 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định: Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Việc hoãn thi hành bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự. Sau đó thời gian hoãn thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật để xem xét kháng nghị Giám đốc thẩm là trong thời hạn 90 ngày, hết thời hạn này mà cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo bản án Giám đốc thẩm không ban hành quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm thì bạn án sẽ tiếp tục được thực hiện.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, bà Thảo có quyền có văn bản đề nghị Chánh án tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với 2 bản án đã có hiệu lực pháp luật nêu trên.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đồng thời, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm cũng có quyền ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án trong thời hạn 90 ngày để nghiên cứu, xem xét yêu cầu kháng nghị Giám đốc thẩm.
Trong trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm có văn bản kháng nghị, hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao sẽ tiến hành phiên họp để xem xét kháng nghị đó theo hướng có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị. Trong trường hợp chấp nhận kháng nghị thì có thể hủy bỏ hoặc sửa đổi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp không chấp nhận kháng nghị thì bản án sẽ tiếp tục được thi hành án theo quy định pháp luật.
Trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền Giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án theo thủ tục.
Thủ tục xét xử tại phiên tòa Giám đốc thẩm được quy định tại điều 341 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tại điều 343. Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm có thẩm quyền sau đây: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án; Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, hai bản án có hiệu lực pháp luật nêu trên sẽ bị hoãn thi hành án trong vòng 90 ngày để người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm xem xét lại theo nội dung đơn đề nghị của bà Thảo. Nếu trong thời hạn 90 ngày mà người có thẩm quyền kháng nghị Giám đốc thẩm có văn bản kháng nghị thì trong vòng 04 tháng tiếp theo Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao sẽ mở phiên tòa giám đốc thẩm để xem xét nội dung kháng nghị theo quy định tại điều 343 Bộ luật tố tụng dân sự nêu trên.
Trong trường hợp, hết 90 ngày mà người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm không ra quyết định kháng nghị thì bản án sẽ được tiếp tục thi hành.
Tuy nhiên nếu có tình tiết, chứng cứ mớ, bà Thảo và các đường sự vẫn có quyền yêu cầu xem xét lại hai bản án này theo thủ tục Giám đốc thẩm tái thẩm theo quy định pháp luật. Pháp luật không quy định thời hiệu đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm nên bất cứ lúc nào có tình tiết mới, chứng cứ mới các đường sự cũng có quyền yêu cầu tái thẩm lại hai bản án nêu trên.
“Trong trường hợp có kháng nghị Giám đốc thẩm nhưng hội đồng xét xử Giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật thì bạn án này cũng sẽ tiếp tục được thi hành. Bởi vậy, vụ án này sẽ bị dừng lại để chờ xem xét giải quyết theo thủ tục Giám đốc thẩm nêu trên”, Luật sư Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem video Vụ ly hôn Trung Nguyên: Bà Thảo "khẩn thiết", quan tòa "cương quyết"
Trước đó, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM.đã tuyên "không chấp nhận kháng cáo" của bà Thảo và ông Vũ; chấp nhận một phần kháng nghị; ghi nhận sự thỏa thuận, tự nguyện ly hôn, cấp dưỡng, và tài sản là bất động sản giữa các bên.
HĐXX tuyên công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ; công nhận sự tự nguyện thỏa thuận, giao bà Thảo nuôi con chung các bên, chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng nuôi 4 con, thời gian cấp dưỡng từ năm 2013 đến các con học xong đại học.
Về tài sản, tòa tuyên y án sơ thẩm, giao cho ông Vũ toàn bộ cổ phần trong các công ty của tập đoàn Trung Nguyên. Theo đó, ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40% tài sản chung là các cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên.
Tòa yêu cầu bà Thảo giao lại toàn bộ số cổ phần cho ông Vũ và ông có trách nhiệm hoàn lại bằng tiền cho bà Thảo.
Ông Vũ có trách nhiệm liên hệ với sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Đắk Lắk và TP.HCM để làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh theo quy định.
Về tiền, vàng, bất động sản, tòa sơ thẩm tuyên giao cho ông Vũ sở hữu tất cả sáu tài sản nhà và đất mà ông Vũ đang quản lý và sử dụng có giá trị 350 tỉ đồng tại các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình (TP.HCM), Nha Trang (Khánh Hòa) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Bản án cấp sơ thẩm giao cho bà Thảo sở hữu khối tài sản gồm tám bất động sản với tổng trị giá gần 376 tỉ đồng tại các quận 2, 3, 9 (TP.HCM) và Đà Nẵng, giao cho bà Thảo sở hữu số tài sản và tiền, vàng cùng các loại ngoại tệ đang nằm trong các ngân hàng, tổng cộng là 1.764 tỉ đồng. Về tài sản tại Công ty TNHH Trung Nguyên International - TNI tại Singapore, ông Vũ tự nguyện để lại cho bà Thảo.