Vụ ly hôn nhà Trung Nguyên: Bà Diệp Thảo có kháng nghị giám đốc thẩm?

Google News

(Kiến Thức) - HĐXX tuyên công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ và chấp nhận một phần kháng nghị; ghi nhận sự thỏa thuận, tự nguyện ly hôn, cấp dưỡng, tài sản giữa các bên. Nếu không đồng ý với bản án trên, bà Tháo có kháng nghị giám đốc thẩm hay không?

Liên quan vụ vụ tranh chấp ly hôn giữa vợ chồng cà phê Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chiều 5/12, HĐXX đã tuyên "không chấp nhận kháng cáo" của bà Thảo và ông Vũ; chấp nhận một phần kháng nghị; ghi nhận sự thỏa thuận, tự nguyện ly hôn, cấp dưỡng, và tài sản là bất động sản giữa các bên.
HĐXX tuyên công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ; công nhận sự tự nguyện thỏa thuận, giao bà Thảo nuôi con chung các bên, chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng nuôi 4 con, thời gian cấp dưỡng từ năm 2013 đến các con học xong đại học.
Giao cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần chung tại Trung Nguyên tương đương tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, giao cho bà Thảo sở hữu toàn bộ tiền, vàng, ngoại tệ trong ngân hàng do bà Thảo quản lý, khoảng hơn 1.764 tỷ đồng.
Vu ly hon nha Trung Nguyen: Ba Diep Thao co khang nghi giam doc tham?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. 
Ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại cho bà Thảo 1.510 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trên, ông Vũ có quyền liên hệ các cơ quan chức năng để thay đổi tên, thành viên trong các công ty Trung Nguyên.
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp cho rằng kết luận phiên tòa phúc thẩm không hợp lý, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có quyền kháng nghị giám đốc thẩm không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, khi tòa án tuyên "không chấp nhận kháng cáo" của bà Thảo và ông Vũ; chấp nhận một phần kháng nghị; ghi nhận sự thỏa thuận, tự nguyện ly hôn, cấp dưỡng và tài sản là bất động sản giữa các bên… thì bản án này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án.
Tòa án sẽ gửi bản án đến các đương sự, tòa án cấp sơ thẩm và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Bản án sẽ được gửi về cơ quan thi hành án dân sự cấp quận và một trong các bên có quyền thi hành án sẽ làm đơn đề nghị thi hành án.
Trường hợp bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa đồng ý với quyết định của bản án phúc thẩm vừa mới tuyên, thì bà Thảo có quyền làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực.
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ tại Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chứ không phải là xét xử lại một lần nữa.
Cụ thể, kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Vu ly hon nha Trung Nguyen: Ba Diep Thao co khang nghi giam doc tham?-Hinh-2
Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 
Hơn nữa, tại Điều 331 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định về người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Từ đó, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, trong vụ án dân sự tranh chấp về hôn nhân gia đình này của ông Vũ và bà Thảo, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP HCM là Tòa án tiến hành thụ lý, xét xử phúc thẩm và đã có bản án phúc thẩm. Do đó, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
“Bà Thảo hoàn toàn có thể làm đơn để trình bày về những vấn đề bà không thấy đúng theo quy định nêu trên, thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của bà bị xâm hại. Trường hợp xem xét thấy rằng bản án phúc thẩm có một trong các căn cứ tại Điều 326 thì người có thẩm quyền sẽ ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án này”, Luật sư Tùng cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Vụ ly hôn Trung Nguyên: Tòa bác kháng cáo:

Nguồn VTC Now.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)