Vụ chuyến bay giải cứu điều tra giai đoạn 2: “Củi” tiếp tục vào lò?

Google News

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ”. Dư luận đặt câu hỏi, cùng với PGĐ Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, “củi” nào sẽ tiếp tục vào lò?

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố. Đồng thời, khởi tố, bắt bị can để tạm giam Trần Tùng - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Đây là giai đoạn tiếp theo được tách ra từ vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh làm rõ các hành vi có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân tại Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Vu chuyen bay giai cuu dieu tra giai doan 2: “Cui” tiep tuc vao lo?
Hơn nghìn chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. 
Trong giai đoạn 1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 bị can liên quan đến việc trục lợi từ các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân Việt Nam về nước trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát dữ dội. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới đây đã truy tố 54 bị can trong đại án "chuyến bay giải cứu", trong đó có 18 bị can về tội "Nhận hối lộ" theo điểm a, Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đáng chú ý, theo kết luận điều tra giai đoạn 1, ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ ông Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh để ký các văn bản chấp thuận cho công dân trên chuyến bay của doanh nghiệp này được cách ly trên địa bàn tỉnh sau khi về nước. Ngoài ông Tân, một số cá nhân khác tại tỉnh Quảng Nam cũng có hành vi nhận tiền của bị can Hằng. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.
Bị can Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng, để tham mưu, đề xuất cấp trên ký tờ trình về việc đồng ý cho một số doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Ngoài số tiền đã được làm rõ, bị can Thân còn chủ động khai báo nhận tiền của đại diện một số doanh nghiệp khác. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ ở giai đoạn sau.
Bị can Bùi Huy Hoàng, cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế bị cáo buộc làm trung gian, nhận 3,3 tỷ đồng từ doanh nghiệp, sau đó chi 2,6 tỷ đồng cho các cá nhân tại tổ công tác 5 bộ và địa phương để xin tổ chức chuyến bay và được chấp thuận cách ly tại Hải Dương. Kết quả điều tra xác định bị can Hoàng hưởng lợi hơn 670 triệu đồng. Ngoài những người đã được làm rõ vì nhận tiền từ ông Hoàng, bị can này còn khai đưa hơn 650 triệu đồng cho một cán bộ thuộc UBND tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, đến nay chưa đủ căn cứ xác định hành vi nhận tiền của vị cán bộ nên cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và xử lý ở giai đoạn sau.
Liên quan một số cá nhân tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, ông Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia cùng 3 cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cùng bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, theo lời khai của các bị can, những cán bộ còn lại của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia đều được nhận tiền bồi dưỡng. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ ở giai đoạn sau.
Ngoài ra, hàng loạt giám đốc các doanh nghiệp bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ cũng khai chi tiền cho nhiều cá nhân khác, ngoài những quan chức, cán bộ đã được đề cập trong kết luận điều tra. Trong số này, có ông Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh.
Hiện cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ 164.868.277.300 đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 10.450.000.000 đồng;
23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ 226.786.881.380 đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ 74.454.078.000 đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiến 24.549.312.000 đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)