Trong kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an xác định có cá nhân có liên quan, nhưng không đủ căn cứ xử lý hình sự.
Cụ thể, ông Đinh Quốc Hùng, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội trong vụ án này đã có hành vi phát hành sớm công văn chủ trương cách ly cho Công ty Á Châu theo sự nhờ vả của Lê Thị Ngọc Anh (chuyên viên Phòng Nhà khách Vụ Lễ tân, Ban đối ngoại Trung ương)
Ông Hùng sau đó được Ngọc Anh cảm ơn 5 triệu đồng. Dù vậy, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội không yêu cầu, đòi hỏi gì đối với Ngọc Anh nên cơ quan điều tra không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.
Các ông Lê Quang Long, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (Đức); Phạm Hoàng Tùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Nguyễn Tùng Lâm, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga trong thời gian Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty Công đoàn Đường sắt) tổ chức các chuyến bay combo đưa công dân từ Nga, Đức về nước, đã nhận lần lượt 200 triệu đồng, 115 triệu đồng, 50 triệu đồng từ Hiệp.
Kết quả điều tra kết luận, số tiền trên, Hiệp gửi để mua xì gà, chúc mừng đại sứ quán ngày Quốc khánh 2/9 và trả phí quảng cáo trên báo Nga, nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Một chuyến bay đưa công dân từ Châu Âu về nước (Ảnh: VGP).
Ông Đinh Văn Đông, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg (Nga), cuối năm 2021 được Đào Thị Chung Thúy nhờ mua vé máy bay cho khách của Thúy tại Nga, để hồi hương trên chuyến bay combo. Sau đó, ông Đông đã mua 25 vé từ Công ty Thuận An và bán lại cho Thúy, hưởng chênh lệch 105 triệu đồng.
Bộ Công an xác định, các vé máy bay trên là của chuyến bay combo, do Tổ Công tác 5 Bộ cấp phép, ông Đông không hỗ trợ, can thiệp vào việc xin cấp phép của Công ty Thuận An, cũng như ông Đông không phải duyệt danh sách công dân hồi hương, vì vậy việc mua bán vé máy bay giữa Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg và Thúy là giao dịch dân sự, không có căn cứ xử lý hình sự.
Ông Đặng Đình Tuyến, giúp việc cho ông Chử Xuân Dũng (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) được xác định đã 3 lần nhận phong bì từ Phạm Bá Sơn (nhân viên của Trần Minh Tuấn) để đưa cho ông Dũng. Hành động trên giúp Tuyến được "cảm ơn" 100 triệu đồng.
Dù vậy, Bộ Công an cho rằng, ông Tuyến không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xét duyệt chủ trương cách ly, không có yêu cầu, đòi hỏi gì với Sơn hay Tuấn, đồng thời cũng không biết tiền đưa cho ông Dũng là mục đích gì.
Ngoài ra, sau khi vụ án được điều tra, ông Tuyến đã nhận thức được tiền nhận từ Sơn, Tuấn là sai nên đã tự nguyện nộp lại 100 triệu đồng. Vì vậy, hành vi giúp ông Dũng nhận tiền từ Tuấn của ông Tuyến không cấu thành tội phạm hình sự.
Ông Nguyễn Trung Dũng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, đã giúp Nguyễn Thị Tường Vy đưa 6 người quen của Vy vào danh sách hồi hương trên chuyến bay ngày 30/6/2021. Quá trình nhờ, giữa Vy và ông Dũng không có thỏa thuận gì về chi phí, 6 người thân của Vy cũng đều đủ điều kiện hồi hương.
Sau khi chuyến bay hoàn thành, Vy đã gửi 70 triệu đồng cho ông Dũng để cảm ơn. Số tiền này, ông Dũng đã tự nguyện nộp lại. Bộ Công an xác định, hành vi trên của ông Dũng chỉ diễn ra 1 lần nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.
Ông Lê Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao là người đã giới thiệu Nguyễn Thị Dung Hạnh với ông Tô Anh Dũng, đồng thời chuyển giúp túi quà của Hạnh cho nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Kết luận điều tra nêu, ông Dũng không biết việc trao đổi, thỏa thuận đưa - nhận tiền giữa các bị can, cũng không biết trong túi quà có gì và mục đích chuyển túi quà nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.
Ông Trần Tùng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, được xác định đã đưa 50 triệu đồng cho bị can Lưu Tuấn Dũng (nguyên Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự) để chúc Tết Cục Lãnh sự. Sau quá trình điều tra, Bộ Công an kết luận, không có căn cứ xác định ông Tùng đã trao đổi, thỏa thuận để đưa hối lộ cho Dũng, trong việc xin cấp phép chuyến bay combo, nên không có căn cứ xử lý hình sự.