Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).
Trong số các bị can bị khởi tố, bắt giam về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015 có Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Nguyễn Thanh Tuyền được xác định có liên quan đến hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm COVID-19.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi trên, nếu quá trình điều tra kết luận Nguyễn Thanh Tuyền phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị can này sẽ bị xử như thế nào?
|
Bị can Nguyễn Thanh Tuyền. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, bị can Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Do đó đã phạm tội và bị khởi tố bị can với vai trò là đồng phạm với bị can Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội cùng một số bị can khác về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng điều điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015.
“Với khoản 3 điều luật này khung hình phạt tù từ 10 đến 20 năm tù và hình phạt bổ sung có thể tịch thu 1 phần gia sản và cấm đảm nhiệm công việc của các đối tượng theo khoản 4 điều này” – luật sư Hoàng Tùng cho biết.
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đối với bị can Nguyễn Thanh Tuyền cơ quan tố tụng sẽ phải làm rõ với vị trí của mình Tuyền đã có những hành vi khách quan cụ thể nào để cùng thực hiện tội phạm với các đồng phạm. Các bị can đã bàn bạc phân công nhau, thỏa thuận ăn chi hưởng lợi bất chính ra sao căn cứ các lời khai và chứng cứ thu thập được sẽ khách quan đánh giá.
Căn cứ và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có thể kết luận điều tra, ra cáo trạng, tuyên bản án trong hoặc dưới khung tại khoản 3 điều 222.
“Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tích cực khắc phục hậu quả, ăn năn hối cải hợp tác điều tra làm khai báo trung thực còn những ai là đồng phạm để vụ án đi đúng bản chất sự thật khách quan toàn diện đầy đủ, có thể sau này được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung tức dưới 10 năm tù” – luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Theo luật sư Hoàng Tùng, từ những chứng cứ thu thập được, cơ quan tố tụng sẽ có lời trình bày của Giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông. Từ đó, sẽ đánh giá mức độ có việc chỉ đạo móc ngoặc, câu kết của lãnh đạo công ty này hay không đối với các đồng phạm khác.
“Lãnh đạo Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông là người trực tiếp ký kết các hợp đồng nâng khống này. Do đó, không thể nói không với hành vi của mình. Căn cứ vào tài liệu điều tra kết thu thập được sẽ cho chúng ta câu trả lời là trách nhiệm cá nhân ai nữa, có khởi tố bổ sung hay không, hành vi gì đối với các cá nhân lãnh đạo Công ty này”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật hình sự. Về nguyên tắc đó là thuận mua vừa, bán. Doanh nghiệp ai cũng muốn bán cao.
Tuy nhiên, đây không phải là ngành hàng độc quyền của Nhà nước mà có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau. Nhân viên kinh doanh của công ty này (Nguyễn Thanh Tuyền đã bị khởi tố, bắt giam) không thể toàn quyền quyết định hết tất cả mọi thứ mà người có trách nhiệm trong vụ việc này là Giám đốc của Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.
|
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Giả sử, Giám đốc thấy giá nhân viên đưa giá ra cao quá so với thị trường thì phải có trách nhiệm điều chỉnh lại giá cho phù hợp để nhằm tránh sự chào hàng giá thấp của những doanh nghiệp khác và phù hợp với đạo đức kinh doanh. Đồng thời ngăn chặn hình thức lợi dụng dịch bệnh để kiếm tiền.
Do đó, trong quá trình điều tra lực lượng chức năng cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các lãnh đạo công ty này trong việc chào giá, có hay không có việc thông đồng với nhau để nâng giá.
“Nếu có thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân của mình với vai trò đồng phạm trong vụ án này. Không thể đổ trách nhiệm hết cho cấp dưới của mình là nhân viên kinh doanh trong khi lợi nhuận họ đem về thì nhiều người cùng hưởng” – luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Hệ thống Realtime PCR được CDC Hà Nội mua như thế nào?
Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng vừa bị Bộ Công an khởi tố hình sự tại CDC Hà Nội liên quan đến Gói thầu số 15 Mua trang thiết bị cho phòng xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (đợt 1), có giá gói thầu là 9,54 tỷ đồng.
Gói thầu này thuộc Dự án Kinh phí bổ sung mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Corona gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1).
Sau khi phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (đợt 1), ngày 24/2/2020, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội đã có Quyết định số 572/QĐ-KSBT thành lập Tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 15.
Ngày 27/2/2020, ông Cảm có quyết định số 573/QĐ-KSBT thành lập Tổ thẩm định các gói thầu mua sắm máy móc này. Ngày 29/2/2020, Tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 15 có báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất của Công ty TNHH Vật tư Khoa học và Thương mại Việt Nam.
Ngày 2/3/2020, Chủ đầu tư và nhà thầu được chỉ định đã tiến hành thương thảo hợp đồng và ngày 3/3/2020, CDC Hà Nội và Công ty TNHH Vật tư Khoa học và Thương mại Việt Nam tiến hành ký kết hợp đồng với giá chỉ định thầu cũng chính là giá dự toán của gói thầu 9,540 tỷ đồng. Trong tháng 3/2020, nhà thầu được chỉ định đã hoàn thành việc cung cấp thiết bị của Gói thầu.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), kết quả điều tra ban đầu từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng qua các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỷ đồng (chênh lệch 4,7 tỷ đồng/máy).
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội. Đồng thời khởi tố, lệnh bắt bị can để tạm giam 7 bị can trong đó có Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
>>> Mời độc giả xem video Máy xét nghiệm Covid-19: Công ty Phương Đông cung cấp cho nhiều tỉnh